KTĐT - Thông tin về tình trạng trẻ tự kỷ đang gia tăng nhanh tại Việt
Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh đổ xô đưa con đi khám tại BV Nhi Trung ươngvà BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương. Điều đáng nói là, nhiều trẻ tự kỷ cũng như trẻ bị bệnh cá biệt được phát hiện muộn nên khó có khả năng hòa nhập cộng đồng.
Không tin con mình bị bệnh
Khi thấy con có những dấu hiệu bất thường như gọi không quay đầu lại, suốt ngày chỉ xem vô tuyến, đi kiễng gót, gần 3 tuổi chưa biết nói, chị Nguyễn Hà T. (Thái Nguyên) đưa con đi cầu cúng, làm lễ đổi tên cho con, thậm chí chữa bệnh bằng mẹo nhưng cu Bi vẫn không thay đổi. Hơn 4 tuổi, chị mới đưa con vào BV Nhi khám, bác sĩ cho biết, cu Bi có những biểu hiện của hội chứng tự kỷ. Tương tự, chị Trần Thị C. (Thái Thụy, Thái Bình) cũng không biết con mình bị bệnh mà chỉ nghĩ rằng con quá hiếu động. Chị C. kể: "Cháu nghịch lắm, chạy nhảy suốt ngày không biết mệt, chỉ trừ lúc ngủ. Khi chơi với bạn, cháu không biết nhường nhịn và dễ cáu giận, gây gổ. Cháu thích gì là làm đấy, có lần đi chơi công viên, nhảy từ trên đỉnh cầu trượt xuống đất, bị gãy tay phải đi bó bột. Thế nhưng, lần sau cháu lại tái diễn hành động nguy hiểm ấy. Tôi đưa bé đi khám thì mới biết, con bị bệnh tăng động giảm chú ý".
Theo thống kê của BV Nhi Trung ương, nếu như cách đây 5 năm, BV chỉ tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân tự kỷ/năm, thì nay đã lên tới 900 - 1.000 bệnh nhân/năm. Từ đầu năm 2011 đến nay chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính số bệnh nhân nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái. Đây không phải là chứng bệnh mới, thông tin cũng không phải là ít, thế nhưng theo các bác sĩ thì hiện vẫn còn có quá ít người hiểu biết về căn bệnh này.
Bác sĩ Ngô Thanh Hồi, Giám đốc BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, trẻ tự kỷ thường sống trong thế giới riêng và có nhiều biểu hiện bất thường mà người xung quanh không hiểu nổi. Tuy nhiên, cần phân biệt được giữa hội chứng tự kỷ và những biểu hiện bất thường của thần kinh. Bởi thực tế, do thiếu hiểu biết nên nhiều phụ huynh khi thấy con có biểu hiện bất thường thì cứ nghĩ rằng con mình bị tự kỷ.
Cần can thiệp kịp thời
Theo bác sĩ Ngô Thanh Hồi, nếu trẻ mắc bệnh tự kỷ thì không thể chữa khỏi nhưng nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, trẻ vẫn có cơ hội giao tiếp bằng lời nói (30%). Khi thấy trẻ có một trong các biểu hiện bất thường, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh. Có tới trên 90% trẻ tự kỷ có biểu hiện chậm nói, kèm theo các dấu hiệu rất khó nhận biết. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm đến trẻ nhiều hơn thì mới phát hiện được. Khi trẻ đã mắc bệnh, gia đình cần phải biết kết hợp với các nhà chuyên môn (BS tâm lý, giáo viên tâm lý…) trong suốt quá trình can thiệp cho trẻ. Ngoài vai trò trung tâm của gia đình, theo các bác sĩ thì khi trẻ đi học, các thầy cô giáo nên đặc biệt quan tâm và lưu ý đến các cháu, không nên xa lánh, ghét bỏ.
* Ngày 2/4, Lễ mít tinh và đi bộ "Cùng hành động vì trẻ tự kỷ" do Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội và Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội tổ chứcsẽ diễn ra tại quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Chương trình có sự tham gia của nhạc sĩ, ca sĩ Giáng Son, Huy Tuấn, Khánh Linh, Hà Linh, Ngọc Minh... cùng hàng nghìn gia đình có người mắc hội chứng tự kỷ và các tình nguyện viên.