Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội họa Việt Nam nổi tiếng nhờ tuyên truyền Covid-19

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Covid-19 đang là nỗi lo trên toàn thế giới, nhưng ở Việt Nam nhiều người đã vượt qua nỗi sợ hãi và lấy cảm hứng, kết nối hình thành những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt từ chính đại dịch này.

Giống nhiều nước trên thế giới như Italia, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp... tại Việt Nam, người dân được yêu cầu phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài phố khi thật sự có nhu cầu. Vì thế, những bức tranh, những bài hát hay tác phẩm nghệ thuật khác lúc này đều có sức lan tỏa rất lớn, góp phần kết nối sức mạnh cộng đồng trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Thiếu nhi Thủ đô vẽ tranh về phòng, chống dịch Covid-19
Nhằm truyền đi thông điệp “Ở nhà là yêu nước”, ngoài việc học tập tại nhà, các em học sinh Thủ đô Hà Nội đã vẽ hàng nghìn bức tranh độc đáo thể hiện tinh thần phòng chống dịch, sự tri ân với các lực lượng ở tuyến đầu như bác sĩ, bộ đội, công an…
 Bức tranh truyền thông điệp về phòng chống dịch bệnh của thiếu nhi Thủ đô: Tranh của em Nguyễn Mai Khánh Linh - lớp 9A trường THCS Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội.
Các bức tranh được vẽ với nhiều gam màu, nhiều ý tưởng, nội dung sáng tạo được các em khắc họa trong từng bức tranh, phản ánh về thực trạng, hậu quả của dịch bệnh Covid-19 đối với sức khỏe con người, cách chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh nhằm phòng chống dịch bệnh, sự hy sinh đáng ngưỡng mộ của những y bác sỹ đang ngày đêm thầm lặng đẩy lùi dịch bệnh.

Các tác phẩm này nằm trong cuộc thi vẽ tranh "Bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Hội đồng Đội T.Ư tổ chức, nhằm tạo ra hoạt động hữu ích, giúp các em có niềm vui lành mạnh trong quãng thời gian nghỉ dài do dịch Covid-19, Hội đồng Đội T.Ư phát động cuộc thi vẽ tranh “Bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh Covid-19”.

Người trẻ thổi hồn tranh cổ động chống Covid-19

Nhiều người thường hình dung, tranh cổ động khô khan, mang tính chất tuyên truyền là chính. Tuy nhiên, gần đây, một số bức tranh cổ động của họa sĩ Lê Đắc Quyết Thắng (29 tuổi) với thông điệp như: “Tan dịch rồi, muốn làm gì thì làm các mẹ nhé”; “Đầu lòng hai ả tố nga, tung tin thất thiệt, lên phường đó nha”; “Phải bận khẩu trang, chứ đừng lang thang”… thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng với cách vẽ, thiết kế mới lạ.
 Tranh cổ động của Lê Đắc Quyết Thắng.
Quyết Thắng là nghệ sĩ sáng tạo tự do, làm trong nghề thiết kế đồ họa. Bộ tranh cổ động chống dịch Covid-19 độc đáo được Thắng tạo ra nhằm mục đích giảm căng thăng cho mọi người trong những ngày cách ly xã hội. Dựa trên phong cách áp phích truyền thống, nghệ sĩ trẻ kết hợp thêm nhưng gam màu mới, cùng dấu ấn mạnh, ghi dấu ấn trong lòng người xem.
Quyết Thắng chia sẻ: “Ngày xưa, các thế hệ đi trước, họ chuyên sâu về tranh cổ động. Mình chưa bằng họ nên tìm cách làm khác đi một chút, gần gũi với bạn trẻ hơn, màu sắc vui hơn, mảng màu tươi hơn. Ngày xưa những hình ảnh đưa ra chỉ có dạng cờ đỏ, sao vàng hoặc tường vàng, tường xanh, mình đưa mảng màu mới vào cho vui; ngôn ngữ thể hiện cũng cập nhật hơn cập nhật xu hướng thu hút mọi người, nhất là thông tin đang hot”.

Vẽ trong trong khu cách ly Covid-19

Cách đây vài tuần, những bức tranh của Nguyễn Tăng Quang - một du học sinh tại Anh - ký họa lại cuộc sống ở khu cách ly tập trung (Trường Quân sự Quân khu 7, TP Hồ Chí Minh) đã cho người xem nhiều cảm xúc đan xen.
Tăng Quang vẽ các y bác sĩ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trong khu cách ly và cũng vẽ những người bạn cùng phòng thú vị. Sau khi hoàn thành đợt cách ly, anh trở về nhà và vừa vẽ thêm 20 bức ký họa để tặng bác sĩ trong Trường Quân sự.
 Tranh của Nguyễn Tăng Quang,
Những câu chuyện và nét vẽ trong trẻo ở tranh của Tăng Quang không chỉ giúp mọi người hiểu thêm cuộc sống giàu tình cảm trong khu cách ly mà còn truyền đi sự lạc quan, hài hước của người trẻ.

"Một bộ tranh truyền cảm hứng cực mạnh trong mùa u ám", "Tranh vẽ đẹp lắm, bạn đã làm cho thời gian cách ly trở thành có ích và biến nó thành kỷ niệm khó quên", "Vẽ đẹp, hóm hỉnh, hài hước và rất lạc quan, cháu phát huy tinh thần này để làm đẹp cho đời nhé"… - một vài trong số hàng trăm bình luận để lại trên trang Facebook cá nhân của Tăng Quang.

Ký họa đời sống thời Covid-19

Những tác phẩm hội họa thời dịch Covid, phản ánh mọi mặt của đời sống. Đó có thể là bức tranh một khu phố vô cùng đông đúc nay trở thành nơi cách ly; một tác phẩm hội họa cả nhà tập thể dục trước màn hình tivi vốn là điều hiếm thay nhưng nay lại diễn ra hàng ngày. 2 trong số các ý tưởng nói trên đến từ Cuộc thi vẽ về chủ đề Covid-19 của nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi).
 Tranh ký họa khu vực cách ly.

Sau một thời gian phát động, nhóm đã kết nối những bức ký họa đơn lẻ thành một chủ đề lớn để truyền tải thông điệp cụ thể tới công chúng.
“Chúng tôi thấy có nhiều bức tranh rất lạ, không xuất hiện trong đời sống hàng ngày mà chỉ xuất hiện trong đợt dịch Covid-19 này. Từ đó, chúng ta thấy ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đời sống và ý thức được việc không để cho dịch bệnh lây lan”.
Báo chí Anh ca ngợi hội họa về Covid-19 của Việt Nam

Tranh cổ động của các họa sĩ Việt Nam tạo xúc cảm lớn lao, góp nên thành công của Việt Nam trong cuộc chiến "chống giặc Covid-19" - tờ The Guardian của Anh viết.

Nhân viên y tế đeo khẩu trang đứng hiên ngang như một người lính bên cạnh một khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước”. Bên dưới tranh cổ động là lời nhắn gửi người dân khai báo các triệu chứng hoặc báo cáo bất cứ ai trốn cách ly.

Theo tờ The Guardian của Anh, tranh cổ động nói trên của hoạ sĩ Lê Đức Hiệp chỉ là một trong vô số loại hình nghệ thuật xuất hiện ở Việt Nam, từ các bài hát rửa tay ngừa virus (Ghen Cô Vy) đến bộ tem tuyên truyền phòng chống Covid-19, phản ánh tinh thần chống dịch như chống giặc.
 Tranh cổ động của họa sĩ Lê Đức Hiệp.
“Tôi muốn làm một cái gì đó có thể lan truyền, nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho mọi người để làm điều đúng đắn. Tôi đã chọn phong cách tuyên truyền vì nó quen thuộc với người Việt Nam và phong cách này luôn khơi gợi những cảm xúc yêu nước” - Lê Đức Hiệp chia sẻ.

Theo tờ The Guardian, những thông điệp như vậy cùng với những hành động sớm và theo dõi tiếp xúc của các ca nhiễm đã giúp Việt Nam tránh được những tổn thất nặng nề mà nhiều nước châu Âu đang gánh chịu. Việt Nam đã giữ số ca nhiễm Covid-19 chỉ ở mức vài trăm và không có ca tử vong nào.