Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Quân sự Trung Giã: giá trị lịch sử và bài học cho hôm nay

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hội nghị Quân sự Trung Giã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ trong đối ngoại quốc phòng của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam. 70 năm trôi qua, Hội nghị tiếp tục để lại những bài học kinh nghiệm quý, được TP Hà Nội vận dụng trong xây dựng và bảo vệ Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.

Sáng 30/7, Bộ Quốc phòng và Thành ủy Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm Hội nghị Quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học”.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo khoa học 70 năm Hội nghị Quân sự Trung Giã.
Quang cảnh Hội thảo khoa học 70 năm Hội nghị Quân sự Trung Giã.

Hội nghị mang ý nghĩa lịch sử to lớn

Theo các tư liệu lịch sử, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán tìm giải pháp kết thúc chiến tranh. Ngày 8/5/1954, Hội nghị quốc tế bàn về vấn đề đình chỉ chiến sự ở Đông Dương khai mạc tại Giơnevơ (Thuỵ Sĩ). Để giải quyết các vấn đề quân sự trên thực tế chiến trường, Hội nghị Giơnevơ thống nhất đại diện hai bộ tổng tư lệnh (Việt - Pháp) sẽ tổ chức đàm phán tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương đã gặp nhau tại Trung Giã (nay thuộc huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).

Tại báo cáo đề dẫn hội thảo khoa học “70 năm Hội nghị Quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học”, sáng 30/7, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà cho biết, trong 23 ngày diễn ra Hội nghị Quân sự Trung Giã (4/7 - 27/7/1954), hai bên đã đàm phán tìm giải pháp giải quyết vấn đề thực tiễn của chiến trường, cung cấp cơ sở cho Hội nghị Giơnevơ bàn và thực hiện các giải pháp chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà báo cáo đề dẫn tại hội thảo.
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà báo cáo đề dẫn tại hội thảo.

Tại Hội nghị, đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam gồm 6 thành viên, do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam làm Trưởng đoàn, và Đoàn đại biểu Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương đã tập trung giải quyết vấn đề ngừng bắn trên chiến trường và vấn đề tù binh sau chiến tranh. 

 

“Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam luôn nắm vững phương châm, nguyên tắc đàm phán linh hoạt, hiệu quả, chẳng những giải quyết các vấn đề quân sự do tình hình tại chỗ đặt ra mà còn góp phần quan trọng trong tìm kiếm giải pháp quân sự phù hợp tại Hội nghị Giơnevơ nhằm đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Kết quả của Hội nghị Quân sự Trung Giã thể hiện tư duy chiến lược đúng đắn của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử…” - Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam).

Ngày 27/7/1954, Hội nghị Quân sự Trung Giã kết thúc. Hai đoàn đại biểu ra quyết nghị chung, thể hiện sự hài lòng về kết quả chung của Hội nghị. Phát biểu tại phiên Bế mạc, Trưởng đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng nêu rõ: “Hội nghị Quân sự Trung Giã đã khai mạc giữa lúc tiếng súng còn nổ khắp nơi. Hôm nay, khi bế mạc Hội nghị, tiếng súng ở Bắc Bộ đã ngừng và chúng tôi tin rằng không bao lâu nữa tiếng súng cũng sẽ im trên toàn bộ lãnh thổ ba nước Việt Nam,  Lào, Campuchia”.

“Hội nghị Quân sự Trung Giã đã quyết định thành lập Ủy ban Liên hợp Trung ương để tổ chức thực hiện đúng thời hạn và triệt để việc ngừng bắn, trao trả tù binh theo quy định của Hiệp định Giơnevơ; góp phần giải phóng Thủ đô Hà Nội, đi đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp và đưa lại hòa bình trên miền Bắc” - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn nhấn mạnh trong đề dẫn hội thảo.

Tại Hội thảo khoa học "70 năm Hội nghị Quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học”, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học qua nghiên cứu đã bổ sung thông tin, tư liệu; làm rõ thêm ý nghĩa lịch sử của sự kiện Hội nghị Quân sự Trung Giã. Qua đó, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa thắng lợi của Hội nghị Quân sự Trung Giã đến tiếp quản, giải phóng Thủ đô, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Đồng thời khẳng định, Hội nghị Quân sự Trung Giã còn góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương thế hệ ông cha ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo.

Trong đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, thành công của Hội nghị Quân sự Trung Giã có một ý nghĩa lịch sử to lớn. Trong khi Hội nghị Giơnevơ đưa ra giải pháp toàn bộ nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ðông Dương, thì Hội nghị Quân sự Trung Giã bàn cách thực hiện ngừng bắn và chính sách đối với tù binh, kiến nghị những vấn đề liên quan gửi đến quân sự và đặc biệt đã chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để thực hiện ngừng bắn đúng ngày giờ như Hiệp định Giơnevơ đã quy định, tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động của Ủy ban Liên hợp Trung ương.

“Đoàn Đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó “phải vững vàng về nguyên tắc, nhưng linh hoạt về sách lược”, góp phần vào thành công của Hội nghi Giơnevơ và góp một trang đẹp vào pho sử vàng, vẻ vang của nền ngoại giao quân sự Việt Nam…” - PGS.TS Nguyễn Văn Nhật khẳng định.

Bài học kinh nghiệm quý cho xây dựng Thủ đô

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, Hội nghị Quân sự Trung Giã là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương. Trải qua hơn hai mươi ngày đàm phán, Hội nghị kết thúc thắng lợi đã góp phần cho sự thành công của Hiệp định Giơnevơ, giải quyết vấn đề ngừng bắn, trao trả tù binh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo.

“Hội nghị Quân sự Trung Giã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ trong đối ngoại quốc phòng của QĐND Việt Nam. 70 năm đã trôi qua, Hội nghị tiếp tục để lại những bài học kinh nghiệm quý, được TP Hà Nội vận dụng xây dựng và bảo vệ Thủ đô trong giai đoạn hiện nay…” - Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, hội thảo khoa học "70 Hội nghị Quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học" tiếp tục khẳng định, làm sáng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là sự tài tình, sáng tạo trong cuộc đấu trí với thực dân Pháp trên bàn đàm phán, tiến tới kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, nhà khoa học tham dự hội thảo
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, nhà khoa học tham dự hội thảo

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, những kinh nghiệm rút ra từ hội thảo có ý nghĩa quan trọng, cần tiếp tục được vận dụng vào thực tiễn hoạt động xây dựng, phát triển Thủ đô, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, nhằm tạo nên sức mạnh to lớn bảo vệ vững chắc Thủ đô. Đồng thời, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện Sóc Sơn phối hợp cùng các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch. 

 

“Những tư liệu, đánh giá về giá trị lịch sử của Hội nghị Quân sự Trung Giã trong 70 năm qua tiếp tục khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý từ Hội nghị, bổ sung cho hệ thống các tư liệu lịch sử nói chung, với huyện Sóc Sơn. Kết quả của hội thảo khoa học hôm nay sẽ là nguồn bổ sung quý về tư liệu cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã đang được TP Hà Nội quan tâm đầu tư, giúp cho công tác giáo dục lịch sử truyền thống, cách mạng kháng chiến của huyện thêm phong phú, giá trị…” - Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường.