Với vị thế là một trong hai đầu tàu về phát triển kinh tế của Việt Nam, qua sự kiện lần này sẽ là cơ hội lớn “ngàn năm có một” để Thủ đô Hà Nội có cơ hội quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới.
|
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được tổ chức trong hai ngày 27 – 28/2, là một sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng, thu hút sự chú ý của toàn thế giới. |
Không ngẫu nhiên mà Hà Nội được lựa chọn cho cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là một hội nghị tầm cỡ và nhạy cảm về chính trị. Hà Nội của Việt Nam là thành phố duy nhất của khu vực được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”. Sự lựa chọn đó cũng đã nói lên ở nhiều khía cạnh, trong đó đã đề cao vai trò và sự an toàn an ninh của Việt Nam và Hà Nội được lựa chọn làm địa điểm tổ chức một sự kiện mang tính hòa giải của quốc tế. Với cương vị là nước chủ nhà nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, Việt Nam được đánh giá là đang nắm cơ hội vàng để tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Một điều ghi nhận trong chuyến sang thăm Việt Nam lần này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi bằng tàu hỏa. Trước đây, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành sang Việt Nam cũng bằng tàu hỏa nhưng đến Trung Quốc, ông Kim Nhật Thành chuyển sang đi máy bay. Trong sáng nay 26/2, chuyến tàu hỏa chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Trong dịp hội nghị thượng đỉnh này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ kết hợp cuộc gặp song phương với thăm cấp nhà nước Việt Nam lần đầu tiên. Tính đến nay, từ chuyến thăm năm 1958 của ông Kim Nhật Thành là lần duy nhất lãnh đạo tối cao của Triều Tiên thăm chính thức Việt Nam. Theo thông tin báo chí, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng phái đoàn của ông có thể sẽ dành thời gian đi thăm một số cơ sở phát triển kinh tế chủ lực của Việt Nam tại một số tỉnh, thành.
Trong khi đó, vào lúc 0h30p sáng nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cất cánh trên chiếc chuyên cơ Air Force One sang Việt Nam và sau 23 giờ bay sẽ có mặt tại Hà Nội. Dự kiến, Tổng thống Donald Trump sẽ gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để mở rộng đàm phán song phương, sau đó gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về hợp tác đầu tư.
Là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để góp phần tổ chức thành công sự kiện ngoại giao có quy mô quốc tế, tầm vóc toàn cầu nổi bật trong năm 2019. Chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử này, Việt Nam gấp rút chuẩn bị tối đa về mọi mặt để gây ấn tượng tốt đẹp trên chính trường quốc tế và Việt Nam sẽ được những gì. Tất nhiên là được, trước hết sự thành công đánh dấu một bước ngoặt quan trọng là nơi trung gian không phụ lòng tin và kỳ vọng của hai bên tham dự hội nghị. Và cái được của Việt Nam là công tác truyền thông sẽ gặt hái bội phần so với nhiều sự kiện trước đây như cuộc gặp cấp cao ASEAN hay APEC... Nếu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đạt được thỏa thuận cơ bản về đàm phán phi hạt nhân ở Triều Tiên thì một dấu ấn của Hà Nội được thế giới ghi nhận và hoan nghênh. Điều quan trọng nữa là cơ hội của Việt Nam tiếp cận các nhà đầu tư của Mỹ sẽ được nâng lên một tầm mới khi độ tin cậy được cải thiện. Hy vọng cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên lần này sẽ tốt đẹp cho cả hai và nhà tổ chức.