Sáng 5/1, Hội Nhà báo TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Kỹ năng tự bảo vệ của nhà báo khi tác nghiệp”. Phát biểu khai mạc, TS. Nhà báo Trần Bá Dung – Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá: Trên thực tế, do đặc thù việc thu thập thông tin chống tiêu cực, tham nhũng… hầu hết nhà báo đều ở tình thế dễ gặp rủi ro, nguy hiểm. Nhiều trường hợp bị tấn công, bị thu giữ trái phép hoặc phá huỷ phương tiện hành nghề. Do đó, kỹ năng tự bảo vệ của nhà báo khi tác nghiệp là vấn đề hết sức thiết thân. Hội thảo “Kỹ năng tự bảo vệ của nhà báo khi tác nghiệp” là dịp thảo luận, sẻ chia kinh nghiệm khi tác nghiệp về cơ chế bảo vệ; những kỹ năng tự bảo vệ và mối quan hệ giữ việc cơ quan báo chí bảo vệ nhà báo…
|
TS. Nhà báo Trần Bá Dung – Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. |
Tại Hội thảo, các nhà báo đại diện chi hội nhà báo của Thủ đô đã phát biểu nhiều tham luận và sôi nổi thảo luận những tình huống cụ thể gặp phải khi tác nghiệp. Qua đó, đưa ra những kinh nghiệm xử lý tình huống, kỹ năng tự phòng vệ, tự giải thoát của nhà báo khi tác nghiệp không an toàn. Đáng chú ý, một số tham luận của nhà báo đồng thời là luật sư đã chia sẻ, phân tích những vấn đề liên quan đến chế tài xử lý với hành vi vi phạm Luật Báo chí và kiến thức pháp luật phóng viên cần nắm rõ khi tác nghiệp.
Theo nhà báo Tống Ngọc Thanh (Liên Chi hội báo Hà Nội Mới), để hạn chế những rủi ro xẩy ra cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp, cần chủ động lập kế hoạch trước khi thực hiện tuyến bài điều tra, đặt ra các tình xấu có thể phát sinh. Sau khi cân nhắc đến mọi tình huống, Ban biên tập mới đồng ý để Ban chuyên môn thực hiện điều tra. Kể từ lúc này Ban chuyên môn sẽ chỉ đạo, kết nối liên tục với phóng viên trong quá trình tác nghiệp, từ việc thu thập tài liệu đến tiếp cận hiện trường. Trong trường hợp phóng viên bị cản trở, đe doạ hành hung hoặc hành hung, Ban biên tập thông qua nắm bắt tình hình sẽ liên hệ với chính quyền, công an địa phương đề nghị có biện pháp can thiệp khẩn. Đồng thời, cử cán bộ chủ chốt đến hiện trường, phối hợp với đơn vị chức năng lập biên bản, tạo dựng hồ sơ pháp lý. Đặc biệt không thoả hiệp với bất kể đối tượng nào đã cản trở đến hoạt động tác nghiệp đúng luật của phóng viên.
Nhà báo Khiếu Quang Bảo (Ban liên lạc các Nhà báo cao tuổi Hà Nội) đã tham luận một nền tảng tối quan trọng trong tác nghiệp. Đó là, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân của Nhà báo khi tác nghiệp. Nhà báo Khiếu Quang Bảo đưa ra vấn đề “Vậy nhà báo anh là ai?” và tự có câu trả lời, là người làm truyền thông có đạo đức nghề nghiệp, có bản lĩnh vững vàng để nói không với “chạy”… Có 2 thứ nhà báo không được chối bỏ: Tổ quốc và thời đại ta đang sống.