Báo Kinh tế & Đô thị xin trích giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn.
Hà Nội trong tiến trình hội nhập
Có thể nói, Việt Nam đã bắt đầu hội nhập quốc tế từ rất lâu, song quá trình hội nhập thực sự vào nền kinh tế thế giới mới diễn ra từ sau Đại hội Đảng VI năm 1986, và đặc biệt là sau dấu mốc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995.
Với hành trình hội nhập trên dưới 20 năm, cho tới nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp hơn 1,5 lần GDP trong những năm gần đây và với cấu phần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội, Việt Nam được đánh giá là một nền kinh tế mở và là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập tương đối cao trên thế giới. Điều này phản ánh xu hướng chung trên thế giới là xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, và đồng thời cũng thể hiện chủ trương của Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực trên tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế…
Tuy nhiên, Việt Nam là một trong 2 nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất trong ASEAN nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với Việt Nam nói chung và các TP lớn nói riêng trong quá trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến cuối năm 2015 và AEC sau năm 2015. Là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại và du lịch của Việt Nam, Hà Nội càng phải đi đầu trong tiến trình hội nhập…
Nhận thức được vai trò đầu tàu của cả nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 4/4/2013 về việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế TP Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015.
Theo đó, Hà Nội hướng tới các mục đích: Quán triệt thực hiện kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách mới ban hành của Chính phủ và TP về kinh tế - xã hội; Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của TP Hà Nội đến năm 2015; và khai thác lợi thế của Thủ đô, khắc phục những hạn chế, khó khăn, nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu các thách thức, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, phấn đấu đưa nền kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững ngang tầm với thủ đô và TP lớn của các nước phát triển trong khu vực…
TP Hà Nội đã rà soát, sửa đổi và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các DN thực hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có những đánh giá tình hình thực hiện các cam kết tại các sở, ngành và đơn vị trên địa bàn TP. Tuy nhiên, để biết được công tác tuyên truyền cũng như việc tổ chức thực thi của các chính sách điều chỉnh theo cam kết đã hiệu quả hay chưa, môi trường kinh doanh, hiểu biết và nhận thức của DN về hội nhập AEC của Hà Nội so với các TP lớn khác trong cả nước ra sao thì cần phải có cả phân tích với cách tiếp cận từ phía DN.
Điều tra các DN tại 5 TP (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ), nhằm đánh giá sự sẵn sàng của DN dựa trên các yếu tố: Nhận thức của DN về AEC; quan điểm của DN về cơ hội và thách thức từ AEC; sự quan tâm của DN đến AEC và chiến lược của DN hướng tới hội nhập AEC 2015.
Trong số 681 DN điều tra, có 627 DN tham gia vào hoạt động xuất khẩu và 623 DN tham gia vào hoạt động nhập khẩu (số DN tham gia vào xuất khẩu trong ASEAN là 146 và nhập khẩu trong ASEAN là 108). Kết quả cho thấy, các DN chưa biết nhiều về những nội dung cơ bản của AEC. Phần lớn các DN không biết chính xác về thời điểm hình thành AEC, các trụ cột của AEC; đại đa số các DN không biết về AEC Scorecard và việc Việt Nam là điều phối viên trong lĩnh vực logistics. Trong đó, nhận thức của DN về AEC theo quy mô và theo ngành nghề cũng khá khác nhau...
Hội nhập tự bản thân nó không thể đem lại các lợi ích cho DN và quốc gia. Hội nhập cũng phải là một quá trình chứ không thể một sớm một chiều. Do đó, vấn đề quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là nâng cao năng lực của các DN trong nước. Tuy nhiên, kết quả điều tra đã chỉ ra những quan điểm, nhận thức và sự sẵn sàng của DN Hà Nội trước thềm hội nhập AEC vẫn chưa cao. Các DN lớn có mức độ hiểu biết về AEC cao hơn các DN nhỏ và vừa dù mức độ chênh lệch không đáng kể. Trong ngành nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, các DN thương mại - dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng có mức độ hiểu biết cao hơn về AEC so với các DN công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp.
Các DN chủ yếu nhìn nhận các lợi ích từ AEC trên phương diện tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu sang ASEAN, mà lợi ích này từ AEC cho đến nay là tương đối hạn chế. Bên cạnh đó, các DN cũng mới chỉ nhìn nhận thách thức do AEC mang lại từ khía cạnh cạnh tranh mà chưa nhìn thấy được gốc rễ bên trong của sự cạnh tranh gay gắt đó, chưa thật sự định vị được chỗ đứng của DN trong chuỗi sản xuất.
Nhiều DN cho rằng, ASEAN tính đến thời điểm hiện nay không phải là thị trường quan trọng. Có nhiều quan điểm cho rằng hội nhập AEC mang tính hình thức, bản chất các nước ASEAN vẫn là cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác và do đó sự chuẩn bị của DN cho việc hội nhập AEC còn bị động, hình thức và thiếu tính chiến lược.
Phải tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế
Nhưng điều cần lưu ý là không phải sự thiếu quan tâm của DN Hà Nội đến AEC hoàn toàn là do bản thân DN không quan tâm và do chủ quan của DN. Một trong những nguyên nhân gốc rễ quan trọng và cũng chính là một thách thức lớn cho các nhà quản lý, đó chính là cách thức tuyên truyền, cơ chế phối hợp xử lý thông tin về hội nhập trong AEC còn tồn tại những bất cập, chưa thực sự phù hợp và hiệu quả.
Vì vậy, DN chủ yếu tự tìm kiếm thông tin về hội nhập của Việt Nam trong AEC thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo, ti vi, đài, internet… Rất ít DN thu nhận thông tin về AEC từ chính quyền địa phương, hay qua các buổi tập huấn, hội thảo.
Thực tế, cho đến nay, mặc dù đã có khá nhiều buổi hội thảo về AEC diễn ra tại Hà Nội nhưng các đơn vị tổ chức và thành phần tham gia chủ yếu tập trung ở giới nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, chuyên gia ở các viện nghiên cứu…
Chính vì thiếu quan tâm đến AEC, các DN chưa hiểu rõ các cơ hội và thách thức đối với DN khi AEC được hình thành. Do đó, các DN Việt Nam chưa có sự chuẩn bị đến việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đón đầu các cơ hội và vượt qua thách thức. Nếu công tác tuyên truyền về nội dung AEC, tác động, cơ hội và thách thức do AEC sẽ mang lại là chưa hiệu quả, không tạo hiệu ứng lan tỏa cho tất cả cộng đồng DN thì những vấn đề tương tự đã từng được đặt ra khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và chặng đường 8 năm vừa qua có thể sẽ lặp lại. Những vấn đề về sức ép cạnh tranh, mất thị trường, DN vừa và nhỏ có nguy cơ giải thể, đóng cửa… là bài học nhãn tiền.
Sau 8 năm gia nhập WTO, chúng ta đang mất dần thị trường bán lẻ vào tay đối thủ đến từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và trong một, hai năm trở lại đây là nước láng giềng Thái Lan. Nếu như WTO chưa đủ thức tỉnh các DN Hà Nội, nếu vẫn tiếp tục thờ ơ thì khi AEC chính thức ra đời, các DN tại Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trên chính thị trường bản địa của mình.
Tựu chung lại, Hà Nội với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước, cần phải khẩn trương khắc phục những tồn tại, chủ động hơn nữa trong việc ban hành các kế hoạch hành động tổng thể để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập AEC trong giai đoạn tới. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng về AEC nói chung và các nội dung liên quan tới các ngành sản xuất và dịch vụ nói riêng. Tạo sự kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội đối với các DN trên địa bàn Hà Nội.
Ngoài ra, bản thân các DN trên địa bàn Hà Nội cũng cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu những biến động và xu hướng của thị trường ASEAN sau khi AEC hình thành. Chỉ có sự kết hợp đồng bộ, sự đồng tâm của các nhà quản lý, đến các hiệp hội và các DN mới có thể giúp Hà Nội chuẩn bị tốt và tiên phong trong cả nước trước tiến trình hình thành AEC vào cuối năm 2015, mà xa hơn nữa là chuẩn bị cho hội nhập AEC sau 2015 và các tiến trình hội nhập khác.
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
|
Hội nhập tự bản thân nó không thể đem lại các lợi ích cho DN và quốc gia. Hội nhập cũng phải là một quá trình chứ không thể một sớm một chiều. Do đó, vấn đề quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là nâng cao năng lực của các DN trong nước. |