Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nhập quốc tế: Chỉ còn chờ doanh nghiệp

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương được ký kết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, và đặc biệt là việc hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cơ hội từ các cam kết là rất lớn, song đây cũng là cuộc sàng lọc khắt khe nhất, nên để không bị lùi lại phía sau, mỗi DN sẽ phải nghĩ khác và làm khác.

Theo chia sẻ của ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - XTTM (Bộ Công Thương), Việt Nam đã có FTA với 55 nền kinh tế trên thế giới và bất cứ hàng hóa nào của Việt Nam đang xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) đều được điều chỉnh bởi các FTA này. “Nhưng chúng ta được hưởng nhiều ưu đãi thì cũng phải mở cửa nhiều, đây cũng là sức ép cho các DN Việt Nam. Chính trong bối cảnh này, nhận định, tư duy, thái độ của ta cần thay đổi” - ông Sơn nhấn mạnh.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Dũng
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Dũng
Có một thực tế được lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ rõ: Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã bỏ nhiều chi phí để XTTM, tạo cơ hội giao thương nhưng DN vẫn chưa mặn mà tham gia. Kinh tế hội nhập sâu sắc và cạnh tranh khốc liệt, nếu DN cứ ngồi chờ đợi khách hàng thì sẽ không có ai biết. Thay vào đó, phải đổi mới, phải ra ngoài học hỏi. Có nhiều lý do khiến DN chần chừ với XTTM, nhưng chủ yếu là vì tính toán chi phí mỗi lần tham gia khá lớn mà hiệu quả khó đo lường, không thấy ngay như cách đầu tư vào nhà xưởng, máy móc... Đó là cách tính “ăn xổi”, vì thực tiễn lại cho thấy, tất cả các nền kinh tế, đặc biệt là các quốc gia phát triển vẫn đầu tư nhiều cho XTTM, bởi họ nhìn thấy lợi ích to lớn và lâu dài từ đây. Mỗi chuyến đi có thêm rất nhiều mối quan hệ và tháng sau, năm sau sẽ mang lại những hợp đồng và giá trị theo cấp số nhân cho DN.

Tại Diễn đàn DN Việt: Kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới vừa diễn ra, đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam cũng đồng tình cho rằng, để có thể tồn tại và phát triển trong hội nhập, DN chỉ có một cách: Thay đổi bản thân để nâng cao năng lực cạnh tranh. Và yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh là phải coi trọng trình độ tổ chức và quản lý DN, đổi mới và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, đào tạo và tuyển dụng nhân lực chất lượng cao…

Không thể chỉ trông chờ và đòi hỏi sự hỗ trợ từ Nhà nước, mà chính DN phải tự vận động, nghĩ khác và làm khác để tiếp cận với các cơ hội mà FTA mang lại. Hay nói như cách của ông Sơn thì với việc ký kết nhiều FTA thế hệ mới, Nhà nước đã cố gắng dành cho DN một vé đi cửa riêng với nhiều ưu đãi, nỗ lực còn lại là của DN.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Nguyễn Sơn:

Doanh nghiệp cần chủ động hơn

Hội nhập quốc tế: Chỉ còn chờ doanh nghiệp - Ảnh 1Các bộ, ngành chức năng sẽ cố gắng hoàn thiện hơn nữa việc kết nối thông tin, nhưng DN cũng cần chủ động tìm kiếm, tham khảo thông tin. Không thể bị động chờ tuyên truyền từ phía cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, khi hội nhập, một vấn đề cần được DN quan tâm đó là đăng ký thương hiệu, đăng ký bản quyền. DN cũng cần hiểu rằng, chi phí cho đăng ký thương hiệu là chi phí lâu dài, không đem lại hiệu quả trước mắt. Thế nhưng, nếu chúng ta quan tâm đến thương hiệu, nghĩ đến việc bảo vệ và đầu tư chi phí cho việc bảo vệ, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Bộ Công Thương khuyến khích DN chú trọng và bảo vệ thương hiệu của mình.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng Phạm Hoàng Thắng:

Mong được hỗ trợ về khoa học công nghệ

Hội nhập quốc tế: Chỉ còn chờ doanh nghiệp - Ảnh 2Chúng tôi muốn đổi mới kinh doanh, đầu tư máy móc để sản xuất ra nhiều sản phẩm. Nhưng muốn vay ngân hàng thì phải có thế chấp, mà các nhà sáng chế đã dành tài sản, dành vốn để đầu tư ban đầu rồi, giờ để có sản phẩm lại tiếp tục phải đầu tư tiếp thì thực sự khó khăn, trong khi đi vay ngân hàng thì không đủ điều kiện. Chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, DN sáng chế đã có từ lâu nhưng đến giờ chúng tôi vẫn không được hỗ trợ. Cái lo của chúng tôi là khi ký hợp đồng về rồi mà thiếu vốn để sản xuất.

Trong hội nhập, chúng tôi có thuận lợi là được nhiều nước biết đến, sản phẩm của chúng tôi rất đơn giản nhưng đã xuất khẩu ra nhiều nước. Tuy nhiên, chúng tôi không có tiền để ra nước ngoài tìm đơn vị nhập khẩu, mà phải qua đơn vị trung gian. Tôi mong Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn cho các DN khoa học công nghệ.

Ngoài ra, đăng ký bản quyền cũng là vấn đề của chúng tôi vì chưa được hỗ trợ. Muốn đăng ký DN cũng không có tiền đăng ký.

Giám đốc Công ty CP Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) Nguyễn Thị Ánh Tuyết:

Xây dựng cổng thông tin kết nối

Hội nhập quốc tế: Chỉ còn chờ doanh nghiệp - Ảnh 3Theo tôi, vấn đề XTTM là rất quan trọng đối với DN, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập. Đây là việc làm “sống còn” với DN. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy vẫn còn nhiều DN chưa chú trọng, hay chưa có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng.

Tôi cho rằng, chúng ta nên có sự chuẩn bị và tạo ra một quy trình liên kết DN như tạo lập danh bạ những DN quốc gia trong cùng lĩnh vực để khi DN hay nhà đầu tư nước ngoài cần thông tin có thể dễ dàng tra cứu.

Tại Đại sứ quán Brazil, họ đã đưa ra những cổng thông tin gồm danh sách các ngành nghề trong xã hội. Chỉ cần một cú nhấp chuột sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về DN trong lĩnh vực đó như địa chỉ, website, phương thức hoạt động và quy mô của DN... Điều này sẽ giúp nhà đầu tư có cơ hội để tiếp cận DN một cách nhanh chóng. Đó cũng là cơ hội quảng bá thương hiệu cho DN trong nước khi họ tham gia các hội thảo hay diễn đàn ở nước ngoài. Vì vậy, tôi cũng mong muốn Cục XTTM, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan chức năng, quản lý các diễn đàn cũng như các cơ quan báo chí hỗ trợ cho DN Việt Nam có một cổng thông tin như vậy.

Chúng ta có thể lập mới hay bổ sung chi tiết thêm các thông tin trên cổng thông tin hiện có để làm sao tạo hiệu quả cao nhất cho việc kết nối DN và nhà đầu tư, cũng như tạo cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế cho DN Việt Nam khi ra thị trường thế giới.