Nhiều hoạt động hấp dẫn
Trong những năm qua, tại Hà Nội, các không gian văn hóa sáng tạo đang ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, sau khi Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo” năm 2019, không gian này không chỉ lớn mạnh về số lượng mà còn đa dạng các loại hình hoạt động từ: Mỹ thuật, tạo hình, thời trang, kiến trúc đến phim ảnh… Nhiều ý tưởng và hoạt động nghệ thuật đương đại như âm nhạc thể nghiệm, triển lãm đa phương tiện diễn ra sôi nổi, góp phần khơi gợi tri thức sáng tạo, mở thêm nhiều cơ hội hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng.
Ở các quốc gia phát triển, người ta lập ra các quỹ văn hóa, mà đóng góp tài chính đều từ các DN, các tỷ phú, triệu phú. Tùy vào mục tiêu của mỗi quỹ mà họ tài trợ cho các hoạt động, chương trình nghệ thuật có giá trị. Đơn cử như Hàn Quốc lập quỹ bảo trợ văn hóa ở cấp quốc gia, với mục tiêu dùng văn hóa để dọn đường cho kinh tế, thương mại và xây dựng thương hiệu chung cho các DN. Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê - Lê Quốc Vinh |
Đang trong đà phát triển, không gian sáng tạo của Hà Nội bất ngờ bị “đóng băng” bởi dịch Covid-19. Chỉ đến khi dịch Covid-19 lắng xuống, các không gian như: VUUV (342 Bà Triệu), Tổ chim xanh, Ơ kìa Hà Nội, Heritage Sapce, Đom Đóm mới rậm rịch vận hành trở lại với nhiều sự kiện trong tháng 6 như: Triển lãm sắp đặt nghệ thuật “Ống thở”, đối thoại “Sự im lặng của mùa hè”, hòa nhạc “Những chân trời bụi đỏ”…
Trong số đó nhiều chương trình thành công, được người dân Thủ đô đón nhận nồng nhiệt, như: Chương trình nghệ thuật “Chillies Pop-up” tại không gian Hanoi Rock City (đường Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ) hết vé sau 20 phút mở bán; sự kiện “Vương Quốc tái chế” do nhóm “Think play ground – nghĩ về sân chơi trong phố” tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long thu hút hàng ngàn người tham gia. Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn – thành viên tham gia triển lãm “Ống thở”, những không gian sáng tạo rất cần thiết cho các nghệ sĩ thể hiện khả năng sáng tạo, đem lại cơ hội tiếp cận, trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật cho công chúng.
Hàng loạt các hoạt động liên tục diễn ra cho thấy không gian sáng tạo ở Hà Nội đã hồi phục nhanh chóng sau Covid-19. Cùng với đó, những không gian sẵn có như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, hơn 170 bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim… các không gian sáng tạo mới được hình thành phục vụ tích cực cho việc phổ biến các thiết kế sáng tạo. Đồng thời cũng minh chứng rõ nét cho việc Hà Nội đã và đang trở thành một không gian sáng tạo lớn giúp khai mở tiềm năng sáng tạo, gia tăng mức hưởng thụ văn hóa và tăng sức hấp dẫn cho điểm đến.
Sáng tạo để tồn tại
Dù các không gian văn hóa tại Hà Nội đã bắt đầu hồi sinh nhưng thực tế, khả năng tồn tại của những địa điểm này vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi, không gian sáng tạo ở Hà Nội phần lớn là do các cá nhân, tổ chức nước ngoài sáng lập. Sau dịch Covid-19, họ gặp phải bài toán về kinh phí và cần được cứu trợ. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật (Bộ VHTT&DL) Bùi Hoài Sơn, cần sớm có chính sách hỗ trợ về thuê địa điểm, miễn giảm thuế, ưu đãi vay vốn... để các không gian sáng tạo “hồi sức”, vững bước hoạt động. Ông Sơn cho rằng, không gian sáng tạo là lĩnh vực sôi động nhất trong các lĩnh vực văn hóa, vì là sân chơi gần gũi với người dân, nếu để chết yểu sẽ rất đáng tiếc.
Tuy nhiên, trước khi trông đợi vào nguồn hỗ trợ từ bên ngoài, chủ nhân các không gian sáng tạo đã tự nghĩ ra cách để duy trì hoạt động. Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội L’Espace - Thierry Vergon chia sẻ: “Trong thời gian giãn cách xã hội chúng tôi đã và vẫn tiếp tục phục vụ công chúng với nhiều chương trình trên nền tảng kỹ thuật số như các lớp học tiếng Pháp, trình chiếu tuyển tập phim Pháp cùng với đối tác BHD; giới thiệu sách “Chuyên luận nhỏ về những phẩm hạnh lớn” trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia, giới thiệu các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ Pháp cho khán giả thưởng thức tại nhà. Đặc biệt công chúng có thể tiếp cận online với nguồn tư liệu phong phú thông qua thư viện số của L’Espace". Như vậy mối liên hệ giữa L’Espace và công chúng đã không bị đứt đoạn, tuy nhiên chẳng có gì bằng được gặp gỡ trực tiếp, chẳng có gì bằng mối quan hệ con người.