Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội thảo trưng bày, trình diễn dệt truyền thống ASEAN

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tối 16/3, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã khai mạc Hội thảo trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ 4 với chủ đề “Truyền thống, đổi mới, kết nối, mở ra bước sáng tạo trong nghề dệt truyền thống ASEAN.”

Tham dự có đại diện lãnh đạo Cộng đồng Nghệ thuật dệt vải truyền thống ASEAN; Quỹ ASEAN; đại diện lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và các nước đối thoại; các vị Đại sứ, đại diện Đoàn Ngoại giao và các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận, An Giang, Tuyên Quang.

Hội thảo trưng bày, trình diễn dệt truyền thống ASEAN - Ảnh 1
 
Dệt thổ cẩm truyền thống ở Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN)
 
Hội thảo quốc tế về nghề dệt truyền thống khu vực ASEAN được sáng lập và tổ chức đầu tiên bởi Hội dệt truyền thống Himpunan Wastraprema tại thủ đô Jakarta, Indonesia vào tháng 12/2005. Tiếp đó, Philippines và Malaysia lần lượt đăng cai và trở thành chủ nhà của Hội thảo lần thứ 2 và 3 (vào tháng 2/2009 và tháng 3/2011).

Trong 3 cuộc hội thảo trước, các chuyên gia về nghề dệt, các nhà nghiên cứu, sinh viên và các doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận và trao đổi về mục đích ủng hộ các nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy nghề dệt bản xứ; đặc biệt, việc duy trì tổ chức các cuộc hội thảo luôn được coi là nền tảng bảo đảm bền vững cho sự tồn tại của nghề dệt truyền thống trong khu vực.

Hội thảo trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ 4 được tổ chức tại Việt Nam có quy mô lớn với 5 hoạt động chính gồm: Hội thảo khoa học; triển lãm các sản phẩm dệt, thêu, nhuộm từ truyền thống đến đương đại; Trình diễn làng nghề và văn hóa làng nghề Việt Nam; Gala thời trang; Hội chợ trưng bày các sản phẩm nghề dệt may của các nước ASEAN và các nước đối thoại.

Hội thảo được tổ chức tại Thái Nguyên là một trong những hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá và mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung với bạn bè trong khu vực và quốc tế.

Hội thảo cũng là minh chứng cho sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em nói chung và nghề dệt, nhuộm, thêu nói riêng. Đây cũng là một cơ hội tốt để mở rộng mạng lưới hợp tác với các bảo tàng, trung tâm nghiên cứu, bảo tồn nghề dệt truyền thống trong nước và khu vực, góp phần phát huy di sản văn hóa với các quốc gia ASEAN.

Đặc biệt, hội thảo là dịp để quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của các tộc người Việt Nam, mở ra những cơ hội giao lưu, xúc tiến đầu tư và du lịch, mang lại lợi ích trực tiếp cho các cộng đồng và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần cho việc thúc đẩy thiết lập cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015.

Tại lễ khai mạc, các người mẫu đến từ các nước đã trình diễn 60 bộ trang phục truyền thống ASEAN; đơn vị chủ nhà Việt Nam cũng đã giới thiệu với người xem bộ sưu tập trang phục của 54 dân tộc anh em. Mỗi trang phục mang một sắc thái riêng, kiểu dáng riêng nhưng đều thể hiện những giá trị văn hóa và nhân văn của mỗi tộc người, mỗi quốc gia, tương đồng và thống nhất trong nền văn hóa đa sắc màu ASEAN.

Các hoạt động nằm trong chương trình hội thảo sẽ diễn ra đến hết ngày 18/3.