Xem xét thông qua 5 dự án Luật
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, kì họp này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII sẽ tập trung khối lượng lớn công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, QH sẽ thông qua 5 dự án luật là các Luật: Cơ yếu, Lưu trữ, Khiếu nại; Tố cáo, Đo lường và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII; Cho ý kiến 12 dự án Luật, đáng lưu ý trong đó có các Luật Biển Việt Nam, Luật Phòng, chống rửa tiền; Bảo hiểm tiền gửi… Ngoài ra, QH còn xem xét các báo cáo và thông qua 9 Nghị quyết quan trọng về các vấn đề Kinh tế - xã hội quan trọng.
Về việc xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng. Theo đó, QH tập trung xem xét các Báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; quyết định dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012. Báo cáo về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 và qui hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020; việc tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng toàn quốc; Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011 -2015; Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ năm 2011 -2015. QH sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết nêu trên.
QH cũng sẽ xem xét báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và đặc xá; báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9, QH khóa XII; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.
Các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác đối ngoại của Nhà nước; tình hình quốc phòng, an ninh sẽ được gửi tới đại biểu QH tự nghiên cứu.
Tăng thời gian đối thoại, tranh luận trực tiếp
Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, kì họp nỗ lực đổi mới, các báo cáo sẽ rút ngắn, hạn chế thời gian đọc tại hội trường. Trong hoạt động chất vấn, QH dự kiến dành 2,5 ngày chất vấn và sẽ chia theo nhóm vấn đề; Bộ trưởng không phải giải trình, mà tập trung trả lời những nội dung ĐBQH quan tâm; ĐBQH trình bày câu hỏi tập trung vấn đề quan tâm, kéo dài không quá 2 phút… Do vậy, trong kì họp này, tài liệu sẽ được gửi sớm đến các đại biểu; các phiên thảo luận tại tổ cũng được đổi mới theo hướng phát huy trí tuệ của các đại biểu, nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại ý kiến để tránh việc trùng lặp khi đưa ra thảo luận tại hội trường.
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh một số nét đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của QH được áp dụng tại kì họp này nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của QH, như chất vấn theo nhóm vấn đề, tăng thời gian đối thoại, tranh luận trực tiếp; câu hỏi chất vấn cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề; trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành nghiêm túc, đầy đủ, không né tránh, đùn đẩy.