Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 1 triệu lượt ý kiến Nhân dân góp ý Luật Giáo dục (sửa đổi)

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, hiện vẫn còn ba loại ý kiến khác nhau. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân vào Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), chiều 21/2.

Thay mặt Chính phủ, trình bày báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân vào Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Phạm vi và nội dung lấy ý kiến là toàn diện, thực hiện trên toàn bộ nội dung dự thảo Luật từ hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; tài chính và đầu tư cho giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục; chính sách đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với người học; đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; thanh tra, kiểm tra.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Trong đó tập trung vào 11 vấn đề dự kiến tiếp thu và xin ý kiến chỉnh lý dự thảo Luật. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn tập trung lấy ý kiến về các nội dung liên quan đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị mình; các địa phương tập trung lấy ý kiến liên quan đến nội dung quản lý giáo dục địa phương.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tính đến ngày 22/1/2019, qua 100 báo cáo, biên bản, tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, địa phương và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác thì đã có khoảng hơn 1 triệu lượt ý kiến của Nhân dân tham gia góp ý về dự thảo Luật.
Đối tượng lấy ý kiến được trải rộng từ các cơ quan ở Trung ương (một số các Bộ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các cơ quan quản lý ở địa phương: cán bộ quản lý sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, nhà giáo, đại diện cha mẹ học sinh và người học (đối với trung học cơ sở, trung học phổ thông); từ các cơ quan nhà nước đến các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức, đơn vị.
Liên quan đến chủ trương đầu tư của nhà nước, theo Bộ GD&ĐT, đa số ý kiến đều nhất trí với dự thảo luật, quy định Nhà nước dành ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Dù quy định này không mới nhưng để khẳng định và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành khi phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, mức chi 20% là chưa đủ và đề nghị nâng lên mức tối thiểu 25% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số Nhân dân, quy định tỷ trọng chi tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho giáo dục.
Về chính sách học phí, đa số ý kiến Nhân dân nhất trí với quy định trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Đối với hệ dân lập, tư thục thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí. Cũng có một số ý kiến cho rằng, nên miễn hoàn toàn học phí và các chi phí khác ngoài học phí cho các đối tượng học sinh thuộc diện phổ cập trong nhà trường thuộc các loại hình.
Chính phủ đồng ý với ý kiến của đa số Nhân dân và giữ quy định: “Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định. Đối với các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học”.
Liên quan đến việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện còn hai loại ý kiến khác nhau. Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với việc luật hóa, nhằm hạn chế bất cập về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa hiện nay là nặng lý thuyết, giáo điều, cứng nhắc, hạn chế quyền lựa chọn của giáo viên và người học... Chính phủ đồng tình với ý kiến này của đa số Nhân dân.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị, chương trình giáo dục phổ thông nên thống nhất trong cả nước để đảm bảo chuẩn đầu ra và không làm khó cho học sinh do hoàn cảnh của gia đình phải chuyển trường, chuyển chỗ ở, nhưng không đồng ý mỗi môn học có một số sách giáo khoa, mà mỗi chương trình có một số bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa được sử dụng chỉ sau khi đã được thử nghiệm ít nhất một năm học (trọn bộ). Các bộ sách giáo khoa phải chuyển thành sách điện tử. Không nên xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa vì có thể dẫn tới trường hợp không bảo đảm chất lượng trong giảng dạy và học tập…
Liên quan đến việc thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, hiện vẫn còn ba loại ý kiến khác nhau. Trong đó, đa số ý kiến Nhân dân nhất trí với dự thảo luật khi bổ sung quy định: Học sinh học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện nhưng không dự thi, hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp. Quy định mới này nhằm khắc phục bất cập của Luật Giáo dục hiện hành.
Ban soạn thảo cũng nhấn mạnh rằng, dự thảo Luật không quy định việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học vì việc tuyển sinh đại học thuộc về quyền tự chủ của các trường đại học đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung). Có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho sở giáo dục và đào tạo.
Cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, xác định rõ mục đích của việc cấp giấy chứng nhận. Quy định này đảm bảo thực hiện được vấn đề liên thông đối với người học. Có ý kiến thì đề nghị không nên quy định cụ thể việc thi tốt nghiệp THPT mà nên giao Bộ GD&ĐT quy định tại quy chế thi tốt nghiệp, để đảm bảo tính linh hoạt và quản lý ngành.
Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của Nhân dân và bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và sửa đổi quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo việc phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông