Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 10 năm loay hoay tìm giải pháp chấn chỉnh việc đốt, rải vàng mã

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đốt, rải vàng mã trong tang lễ và phủ, đền là những sinh hoạt văn hóa gắn với niềm tin tín ngưỡng của người dân.

Bên cạnh ý nghĩa duy trì đạo lý "uống nước nhớ nguồn", báo hiếu thì hiện tượng này đang nảy sinh nhiều hệ lụy khiến các nhà quản lý không dưới 10 năm luẩn quẩn tìm giải pháp.

Hàng tỷ đồng thành tro bụi

Theo ước tính của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, một năm tại đền Bà chúa Kho, du khách tiêu tốn tới 190 tỷ đồng vào việc đốt mã. Vào dịp cuối năm hay đầu năm, trong khuôn viên nhỏ hẹp của di tích Bà chúa Kho, dòng người chen chúc đội đầu đủ loại vàng mã dâng lên chính cung kêu cầu một năm làm ăn phát tài, phát lộc. Lò hóa sớ và không gian xung quanh đó ám không khí ngột ngạt, nóng bức vì khói hương, bụi hóa vàng mã. Không chỉ đền Bà chúa Kho là “điểm nóng” của hiện tượng đốt vàng mã quá tải, về phủ Giày (Nam Định) hay nhiều đền phủ, di tích ở khắp các địa bàn trên cả nước, vãng mã cũng rải từ cửa di tích vào đến nơi thờ tự.
Khu hóa vàng tại chùa Tây Thiên luôn rực lửa. 	Ảnh: Công Hùng
Khu hóa vàng tại chùa Tây Thiên luôn rực lửa. Ảnh: Công Hùng
Trong 5 năm trở lại đây, đếm sơ đã thấy hàng chục cuộc hỏa hoạn thương tâm xuất phát từ nguyên nhân đốt mã. Nếu như năm 2012 là bài học chết người từ câu chuyện đốt mã nhân ngày 23 tháng Chạp khiến 7 căn nhà bị cháy tại TP Hồ Chí Minh, thì ngay đầu năm 2016, đình làng Quỳnh Đôi (Nghệ An) – di tích kiến trúc đặc sắc, cũng bị thiêu rụi vì khói hương, lửa hóa tiền vàng. Bên cạnh đó, trên các tuyến đường quốc lộ, hiện tượng rải vàng mã của các đoàn tang lễ, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia giao thông đã trở thành vấn nạn. Tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mới khai trương được hơn 4 tháng, nhưng hàng ngày có tới 10 - 12 đoàn xe phục vụ tang lễ di chuyển, rải vàng mã chi chít. Giấy tiền vàng bay vào kính làm khuất tầm nhìn lái xe, không chỉ làm tăng nguy cơ tai nạn mà còn mất vệ sinh môi trường. Ban quản lý tuyến đường đã huy động lực lượng thu dọn vàng mã nhưng không xuể.

Theo các nhà nghiên cứu, nhu cầu đốt, rải vàng mã của người Việt thịnh hành khoảng hơn 30 năm nay, đang có xu hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát. GS Trần Lâm Biền cho biết: “Người xưa quan niệm khi có người thân chết đi, họ dùng những thỏi vàng mã và tiền xu mã rải ra đường với hai mục đích. Mục đích rải tiền xu mã nhằm phân phát cho ma quỷ để chúng không quấy phá, bắt nạt vong hồn người chết. Còn rải những thỏi vàng mã là nhằm đánh dấu đoạn đường từ nhà ra nơi chôn cất để linh hồn người chết biết đường về nhà”.

Thế nhưng, “Chưa có nghiên cứu nào khẳng định rải vàng mã cho linh hồn biết đường về nhà là chuẩn xác. Trong khi vàng mã chỉ có ý nghĩa tượng trưng, thì nguy cơ gây tai nạn từ hành động rải vàng mã trên đường quốc lộ là có thật” - TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo Việt Nam chia sẻ. Chính vì vậy tập tục rải tiền trong đám hiếu, đốt vàng mã quá tải nơi thờ tự đã vô tình trở thành hành động thiếu văn minh, đi ngược với quan niệm tôn giáo vốn có.

Bế tắc chế tài

Không phải đến bây giờ, khi Ủy ban ATGT quốc gia lên tiếng cảnh báo về hiện tượng rải vàng mã trên đường quốc lộ, các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Thực tế, không dưới 10 năm, Bộ VHTT&DL “vò đầu” nghiên cứu, tư vấn cho Chính phủ giảm thiểu hiện tượng này. Thế nhưng, ngành văn hóa dường như bất lực. Theo bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL): “Chính phủ chưa có quy định nào cấm sản xuất và đốt vàng mã. Trong khi đó, ngành văn hóa chỉ có thể quản lý phần ngọn, đó là xử phạt hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định”. Quy định là vậy, nhưng theo báo cáo của thanh tra Bộ VHTT&DL hàng năm, chưa xử phạt được mấy người vi phạm. Vào mỗi dịp cuối năm, trong cuộc họp tổng kết công tác quản lý lễ hội, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chánh tranh tra Bộ VHTT&DL lại lắc đầu: “Khó quản lý xử phạt người đốt vàng mã lắm, chỉ có thể tuyên truyền vận động người dân tự giác nâng cao ý thức!”.

Tương tự như vấn đề đốt vàng mã ở nơi thờ tự, quy định “không rắc vàng mã trên đường đưa tang” cũng chỉ được đưa vào mục tuyên truyền vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. “Mục 1 điều 10 tại Thông tư 04 năm 2011 nêu rõ việc tổ chức lễ tang tại nhà hoặc địa điểm công cộng phải thực hiện quy định cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang” – bà Trịnh Thị Thủy cho biết. Song, theo quan sát của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện tượng các đoàn xe phục vụ tang lễ rải tiền lẻ rất nhiều, nhưng chưa thấy ai bị xử lý về hành vi này, lực lượng nào xử lý hành vi này cũng chưa thấy rõ trên thực tế.

Làm gì để hạn chế?

Mặc dù, các nhà quản lý và nhà khoa học đều thừa nhận rải, đốt vàng mã có nhiều hệ lụy tiêu cực hơn tích cực, nhưng cũng không thể đưa ra quy định cấm thực hiện. Bởi vì, “hành động này liên quan đến niềm tin tín ngưỡng tâm linh. Nếu chúng ta cấm sẽ vi phạm tự do tôn giáo tín ngưỡng. Chúng ta chỉ có thể cố gắng định lượng duy trì ở mức nào để giữ được tinh thần đạo lý báo hiếu của người Việt” – TS. Từ Thị Loan – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam bày tỏ.

Để giảm thiểu hiện tượng đốt vàng mã ở đền Bà chúa Kho, nhiều năm qua, Ban quản lý di tích tuyên truyền cho người dân đi lễ hóa một phần tượng trưng, phần lớn số mã còn lại đem nhập kho, cấp phát miễn phí cho người đi lễ sau. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ mang tính tình thế, chưa thật sự giảm số tiền tiêu tốn cho việc tiêu thụ vàng mã ở nơi đây. Hiện nay, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã nghiên cứu đề xuất ngành văn hóa đưa ra quy định mỗi người đi lễ chỉ mang theo mâm lễ vật, thay thế hình thức vàng mã đang sử dụng phổ biến bằng hình thức: Séc âm phủ, khế ước âm phủ… “Trên thực tế, một số nơi đã sử dụng hình thức séc âm phủ. Một tờ giấy tượng trưng có in sẵn mệnh giá cao cấp nhiều lần mệnh giá tiền âm phủ hiện có đã giảm được số lượng lớn giấy mã cần hóa” – TS Từ Thị Loan chia sẻ thông tin trong quá trình điều tra nghiên cứu xã hội học cho đề Giải pháp hạn chế tiêu cực trong việc đốt vàng mã, đồ mã do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện.

Hơn nữa, để làm tốt việc thực hiện nếp sống văn minh, không rải vàng mã trên đường đưa tang, nhiều địa phương như tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đưa ra quy định cấm rải vàng mã trên nhiều tuyến phố, lắp camera ghi hình xử phạt những đám hiếu vi phạm, yêu cầu các cơ sở phục vụ tang lễ ký cam kết dán logo trên tất cả xe tang với nội dung không rải vàng mã, tiền trên đường đưa tang… Các biện pháp này đã giải quyết được phần nào hiện tượng tiêu cực của vàng mã. Tuy nhiên, theo bà Loan, để hạn chế vấn đề này, giải phép “dài hơi” vẫn cần sự vào cuộc liên ngành. Không chỉ có ngành văn hóa tuyên truyền vận động, ngành công thương cần đánh thuế cao cho mặt hàng vàng mã. “Nếu bây giờ mặt hàng vàng mã bị đánh thuế cao, phải chi phí đắt đỏ, người dân sẽ tự cân nhắc giảm lượng” – TS Loan bày tỏ quan điểm.

Chắc chắn việc chấn chỉnh một tập tục diễn ra hàng chục năm, thậm chí có thể dài hơn thế, không thể làm trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, trước những tình trạng “báo động” xung quanh hệ lụy của hiện tượng này, các cơ quan chức năng không thể làm ngơ, mà cần rốt ráo vào cuộc trả lại nếp sống văn minh, môi trường sạch đẹp nơi linh thiêng và ATGT trên quốc lộ.
Việc rải tiền thật cho người chết, oan hồn là việc làm vô tác dụng và phạm pháp. Vô hình trung họ đã coi nhẹ đồng tiền được pháp luật bảo hộ. Đó còn là điều rất không hay với những người nghèo khổ. Hiện tượng này tôi được biết không chỉ xảy ra ở đám ma mà còn ở đám cưới, đám rước… Tôi đã chứng kiến nhiều vụ thả tiền xuống sông. Đây là hành động mê tín dị đoan không thể chấp nhận được với tâm linh và đạo pháp.
GS Trần Lâm Biền

Làng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) nổi tiếng trong thi ca nhưng đến nay khoảng 99% người dân nơi đây chuyển mặt hàng sản xuất từ tranh sang đồ mã. Hiện nay, trong làng còn duy nhất 2 gia đình duy trì làm tranh dân gian Đông Hồ.
T.S Từ Thị Loan Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam.