Thông tin được bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra tại cuộc họp báo sáng 23/12 cho thấy, trong năm 2013, tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp tương đối nhiều.
Theo đó, sinh viên có bằng đại học ở độ tuổi 21-29 tuổi bị thất nghiệp lên tới con số 101.000 người. Bà Mai cũng lưu ý rằng, sinh viên thất nghiệp có bằng đại học chếm tỷ lệ tới 9,89% tổng số thất nghiệp trong độ tuổi từ 21-29 tuổi.
Tính chung, số lượng thất nghiệp trong độ tuổi từ 15 trở lên năm 2013 ở mức 1,053 triệu người, trong đó, thất nghiệp ở nhóm tuổi 15-24 tuổi chiếm tỷ trọng khoảng 48% tổng thất nghiệp, tương đương với khoảng 480.000 người.
Thống kê cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính đến 1/1/2014 là 53,65 triệu người, tăng 864,3 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước 47,49 triệu người, tăng 409,2 nghìn người.
Doanh nghiệp đóng cửa lớn khiến tỷ lệ lao động phi chính thức gia tăng
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2013 khoảng 52,40 triệu người, tăng 1,36% so với năm 2012. Trong đó, tỷ lệ lao động phi chính thức trong tổng số lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2013 ước tính 34,2%, trong đó khu vực thành thị là 47,4%; khu vực nông thôn 28,6% (Năm 2012 các tỷ lệ tương ứng là: 33,7%; 46,8% và 28%).
Đánh giá về tình trạng này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, việc lao động khu vực phi chính thức tăng chứng tỏ có một lực lượng lớn lao động ở khu vực chính thức đã chuyển sang.
Theo lưu ý của người đứng đầu cơ quan thống kê, để đánh giá một cách đầy đủ về bức tranh thất nghiệp của Việt Nam cần phải nhìn cả 3 số liệu thất nghiệp, thiếu việc làm và lao động chính thức.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2013 ước tính là 2,2%, trong đó khu vực thành thị là 3,58%; khu vực nông thôn là 1,58% (Số liệu của năm 2012 tương ứng là: 1,96%; 3,21%; 1,39%). Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2013 ước tính 2,77%, trong đó khu vực thành thị là 1,48%; khu vực nông thôn là 3,35% (Số liệu của năm 2012 tương ứng là: 2,74%; 1,56%; 3,27%).
Những chỉ tiêu này đều cao hơn 2012. Ông Lâm cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do tình trạng sản xuất khó khăn, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.
Trong khi đó, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới mặc dù đạt cao hơn với 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 nhưng xét về tổng vốn đăng ký lại giảm mạnh 14,7% so với năm ngoái, đạt 398,7 nghìn tỷ đồng.
Sinh viên có bằng đại học vẫn rất khó tìm việc trong bối cảnh kinh tế khó khăn (ảnh minh họa).
|