Đề án tập trung vào bốn nội dung chính gồm: quản lý, bảo vệ diện tích rừng; diện tích sử dụng để phát triển du lịch sinh thái; các tuyến du lịch sinh thái kết hợp tuần tra bảo vệ rừng; quy hoạch các công trình phục vụ đề án.
Cụ thể, sẽ có 6 tuyến du lịch sinh thái kết hợp tuần tra bảo vệ rừng. Theo Đề án, diện tích sử dụng để phát triển du lịch sinh thái đến năm 2010 là 1.703,90 ha. Mức độ tác độ tác động của hoạt động du lịch sinh thái tối đa là 20 % tổng diện tích được thuê môi trường rừng đặc dụng, trong đó cho phép sử dụng 5% tổng diện tích được thuê để được làm đường mòn, điểm dừng chân, xây dựng văn phòng, nhà làm việc, cơ sở hạ tầng, vui chơi giải trí và khu công năng phục vụ du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Sẽ có 6 tuyến du lịch sinh thái kết hợp tuần tra bảo vệ rừng tại Tam Đảo (Ảnh: Internet)
|
Đồng thời, đề án cũng nêu rõ, sẽ tập trung xây dựng các tuyến, điểm du lịch sinh thái nhằm khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động xấu đến tài nguyên động thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường. Đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Tam Đảo.
Theo quyết đinh, đề án sẽ ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông đường trên cao (cáp treo), đường bộ và nâng cấp các tuyến đường đến các điểm du lịch của Vườn quốc gia Tam Đảo; khuyến khích đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí hiện đại; khuyến khích xã hội hóa đầu tư; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.
Mục tiêu của đề án phát triển du lịch sinh thái là bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tại Vườn quốc gia Tam Đảo.
Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết lập các tuyến du lịch, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn làm cơ sở đưa Vườn quốc gia Tam Đảo là một trong những Vườn tiêu biểu của Việt Nam và quốc tế.
Thông qua hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách chia sẻ lợi ích đối với người dân bản địa, gắn với phát triển du lịch sinh thái; tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng đệm thông qua các dự án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn; nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đề án sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn từ năm 2014 đến 2015; giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020.