Hơn 16.000 người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số 40.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc có 16.100 người đang cư trú bất hợp pháp tại đất nước này.

Đó là thông tin được ông Đặng Sỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH cung cấp tại buổi họp cung cấp thông tin về kỳ thi tiếng Hàn theo chương trình EPS năm 2017 cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc diễn ra trưa ngày 3/4.

Ông Đặng Sỹ Dũng (áo trắng, bên trái) cung cấp thông tin về tình hình lao động làm việc tại Hàn Quốc trưa 3/4.
Theo thông báo từ Bộ LĐTB&XH, 109 quận/huyện có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước chiếm trên 30% thuộc 12 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2017. Bộ LĐTB&XH tạm dừng tuyển chọn trong năm 2017 đối với 58 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hà Quốc từ 60 người trở lên trong số 109 quận/huyện trên. “Việc dừng tuyển chọn không phải là do mình phía Việt Nam quyết định mà là điều kiện tiên quyết Hàn Quốc đưa ra để có thể tổ chức kỳ thi tiếng Hàn năm 2017”- ông Đặng Sỹ Dũng khẳng định.
Chúng ta đã có nhiều giải pháp vận động, tuyên truyền, gia ân cho lao động bỏ trốn trở về. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2016, có 16.100 NLĐ cư trú bất hợp pháp trên tổng số 40.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, tăng 3% so với thống kê đầu năm này. “Việc người lao động (NLĐ) của ta bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc với số lượng và tỉ lệ rất cao là điều chúng tôi rất đau đớn và đau đầu. Nếu không có mối quan hệ tốt đẹp và sự cảm thông giữa hai bên, nếu cứ thẳng thừng theo tỉ lệ và yêu cầu đặt ra thì chắc chắn chúng ta không có nhiều khả năng đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc” - ông Dũng chia sẻ.

Tuy nhiêu, qua nhiều lần gặp gỡ tiếp xúc, trao đổi và đặt vấn đề khó khăn của Việt Nam thì Hàn Quốc cũng hiểu ra nhiều thứ. Trong đó có thứ rất quan trọng đó là tránh nhiệm giải quyết vấn đề lao động bỏ hợp đồng, bỏ trốn ở bên ngoài không chỉ ở phía các nước đưa đi.

Thực tế cho thấy, đa phần NLĐ bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp cũng vì nhu cầu kinh tế. Họ rất muốn có thời gian tiếp tục ở lại Hàn Quốc làm việc khi hết hạn hợp đồng. Tuy nhiên, cũng bởi chủ sử dụng nhận lao động bất hợp pháp vào làm việc, nếu không liệu họ có ở lại? Một vấn đề nữa không chỉ xảy ra ở Hàn Quốc mà cả Đài Loan, đó là lao động của Việt Nam tiếp thu nhanh, thích ứng với công việc, ngay cả khi bỏ trốn ra ngoài làm việc. Văn hóa Hàn Quốc cộng với nếp sinh hoạt tương đồng cũng giúp lao động của Việt Nam thích nghi rất nhanh…

Nếu không có các giải pháp mạnh, ông Đặng Sỹ Dũng cho biết, không loại trừ khả năng sang năm 2018 khu vực và số lượng bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc sẽ phải mở rộng hơn. “Vì thế chúng ta phải làm sao tăng cường tuyên truyền không chỉ NLĐ ở nước ngoài mà còn cả thân nhân của họ ở trong nước” - ông Đặng Sỹ Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh hình thức xử phạt khi vi phạm hợp đồng, ông Đặng Sỹ Dũng cho rằng tuyên truyền vẫn là gải pháp quan trọng nhất. Vì thế, tới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước sẽ cùng với các cơ quan liên quan của ta ở Hàn Quốc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền.

Trong tháng tới, Bộ LĐTB&XH sẽ tổ chức Ngày hội giao lưu văn hóa và cử cán bộ sang để thông tin tuyên truyền, giải đáp chính sách cho NLĐ. Đây cũng là cơ hội động viên, khuyến khích NLĐ về nước khi hết hạn hợp đồng.
Hà Nội: 5 huyện tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc

Theo thông báo của Bộ LĐTB&XH, 58 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên bị tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS năm 2017 thuộc 12 tỉnh (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Giang và Phú Thọ).

TP Hà Nội có 5 huyện bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi XKLĐ theo chương trình EPS năm 2017 là: Đông Anh 84 người, chiếm 34,62%; Ba Vì 83 người, chiếm 33,33%; Thường Tín 79 người, chiếm 34,48%; Thạch Thất 76 người, chiếm 46,67%; Đan Phượng 65 người, chiếm 34,62%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần