Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 2.500 trẻ em mồ côi vì đại dịch Covid-19

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu con số thế giới có hơn 1,5 triệu trẻ em trở thành trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Việt Nam có hơn 2.500 em rơi vào tình cảnh này.

Chiều 10/22, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu vấn đề đại dịch khiến một số lượng lớn trẻ em ở TPHCM trở thành mồ côi, gây áp lực cho xã hội.
Trả lời câu hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu con số thế giới có hơn 1,5 triệu trẻ em trở thành trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Việt Nam có hơn 2.500 em rơi vào tình cảnh này.
Về chế độ bảo trợ đối với trẻ em, Bộ trưởng đề cập đến quy định về chính sách đối với trẻ em trong các làng SOS. Tham khảo mức hỗ trợ chung chăm sóc trẻ em mồ coi so với thế giới thì khoảng 1,1-1,8 triệu đồng. Tại Việt Nam, những trẻ mồ côi có người thân chăm sóc thì mức hỗ trợ cũng đạt 1,8 triệu đồng.
Ngoài ra, tất cả những trẻ mồ côi do đại dịch lần này, nhiều mạnh thường quân đã cùng chung tay để lo cho trẻ em. Phương châm là vận động để tới nay các cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân đỡ đầu, trường hợp không còn người thân thì lo tìm mẹ cho các cháu.
Trường hợp xấu nhất mới tính đến phương án sau cùng là đưa các cháu vào các cơ sở bảo trợ xã hội.

Đã giải ngân 60.000 tỷ đồng tiền hỗ trợ

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) chất vấn về việc đối tượng của các gói hỗ trợ phục hồi sau dịch Covid-19 rất khó để tiếp cận bởi thủ tục còn rườm rà khó khăn, cử tri đề nghị cần rút ngắn thời gian và thủ tục để người dân sớm nhận được các gói hỗ trợ trên.
 Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội)

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết qua đánh giá các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hầu hết đi vào cuộc sống, đã giải ngân khoảng 60.000 tỷ, hỗ trợ được 40 triệu lượt người và 0,5 triệu đơn vị sử dụng lao động. Việc hỗ trợ công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

“Tuy nhiên, do giãn cách xã hội và số lượng người quá lớn cùng thời điểm tính chất cấp bách. Khâu tổ chức thực hiện, ngành còn điều này điều kia do đó có khuyết điểm như người dân chậm được nhận, một số chưa được nhận, thậm chí còn có phát nhầm, nhận nhầm”, ông Dung nói.

Cùng với chính sách của Trung ương, các địa phương làm cơ sở ban hành chính sách khác, huy động nguồn lực xã hội, hỗ trợ cho người dân.

Làn sóng đại dịch Covid-19 dẫn đến khủng hoảng xã hội và việc làm

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, làn sóng đại dịch Covid-19, từ một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đã trở thành một cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm.

Tình trạng thâm hụt việc làm, bất bình đẳng khiến sinh kế của người dân bị đảo lộn, giảm sút về việc làm và thu nhập. Với tác động của đại dịch, nhất là đợt thứ 4 tới nay đã và đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước đến việc làm, đời sống của hàng triệu người lao động và người dân, nhất là khi dịch xâm nhập vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp nơi sử dụng đồng lao động.

 Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Đến nay, các gói hỗ trợ, các gói an sinh xã hội của Trung ương và các địa phương ban hành và đang triển khai đã góp phần quan trọng hỗ trợ người dân chung tay vượt qua nhiều khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa cử cao đẹp, những tấm gương sáng cộng đồng đang lan tỏa thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh an, dân và xã hội đã và đang có nhiều hệ lụy do tác động đại dịch để lại. Quy mô các chính sách hỗ trợ của chúng ta còn thấp, đòi hỏi sớm có chính sách hỗ trợ với quy mô lớn hơn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để phục hồi, phát triển thị trường lao động và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.