Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 5.200 con lợn bị tiêm thuốc an thần chờ giết mổ

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Thanh tra Bộ NN&PTNT, sáng 29/9 đoàn kiểm tra liên ngành đã hoàn tất xử lý một cơ sở giết mổ tại TP Hồ Chí Minh tiêm thuốc an thần vào lợn.

Theo đó, Đoàn công tác liên ngành gồm Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49 (Bộ Công an), Chi Cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã bắt quả tang 2 nhân viên của cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đang tiêm thuốc an thần vào lợn để giết mổ trong đêm ngày 28/9.
 Số lợn bị tiêm thuốc an thần được phát hiện tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. 
Vụ việc được các lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện vào lúc 21 giờ tối 28/9 và được xử lý kéo dài đến 8 giờ sáng ngày 29/9 mới kết thúc. Tại hiện trường, lợn được tiêm thuốc an thần nằm la liệt. Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vỏ lọ thuốc, dung dịch màu vàng được đựng trong chai truyền nước (ghi dung dịch thuốc an thần) và các dụng cụ dùng để tiêm thuốc an thần cho lợn.
 
Qua kiểm tra ban đầu, đoàn phát hiện 5.231 con lợn đã được tiêm thuốc an thần để chuẩn bị giết mổ, số lợn chưa kịp tiêm là 587 con. Hiện đoàn công tác liên ngành đang tạm giữ tại chỗ 4.200 con lợn để chờ kết quả kiểm định từ 144 mẫu nước tiểu, 3 mẫu thuốc ghi dung dịch thuốc an thần. Khi có kết quả đoàn công tác sẽ có các bước xử lý tiếp theo.

Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: Qua xác minh ban đầu, trên các lọ thuốc an thần đều ghi cảnh báo sử dụng trước 24 giờ. Số thuốc này được nhập khẩu từ Bỉ.
  Dụng cụ và thuốc tiêm an thần cho lợn được phát hiện tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.
Theo một số chuyên gia, tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ nhằm giảm tiếng kêu la, ít bị phát hiện khi giết mổ lậu. Đồng thời tiêm thuốc để lợn ở trạng thái lờ đờ hay ngủ mê giúp cho thương lái dễ bơm nước vào bụng. Ngoài ra còn một mục đích khác là thịt nạc lợn có màu đỏ, do thuốc có tác động làm dãn mạch, làm tăng lượng máu đến mô cơ.

Theo tư liệu của Viện Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tồn dư thuốc an thần trong thịt lợn mà những người bị bệnh mãn tính, trẻ em, người bị bệnh tim ăn phải có thể gây tụt huyết áp, gây trầm cảm. Chính vì thế, hành vi bơm thuốc an thần vào lợn đã bị nghiêm cấm và có mức xử phạt rất cao.

Theo Khoản 10, Điều 20 Nghị định 90/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền bị phạt tiền từ 30 - 35 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở vi phạm còn bị xử phạt bổ sung với hình thức đình chỉ hoạt động từ 3 - 6 tháng.