Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 600 triệu USD xây Trung tâm vũ trụ Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trung tâm vũ trụ Việt Nam có diện tích 9ha, được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc-Hà Nội, là nơi nghiên cứu và sản xuất các vệ tinh nhỏ phục vụ nhu cầu dự báo thời tiết, quan trắc, thăm dò...

Tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Công nghệ vũ trụ - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 16/11 tại Hà Nội, tiến sỹ Doãn Minh Chung, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ cho biết Dự án xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam sẽ được đầu tư với kinh phí hơn 600 triệu USD.

Dự án này sẽ được thực hiện sớm và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Trung tâm vũ trụ Việt Nam có diện tích 9ha, được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc-Hà Nội, là nơi nghiên cứu và sản xuất các vệ tinh nhỏ phục vụ nhu cầu dự báo thời tiết, quan trắc, thăm dò, thu phát sóng truyền thanh-truyền hình, tìm kiếm cứu nạn… trong nước.

Dự án trên đã được Chính phủ giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ thiết kế, xây dựng của Nhật Bản.

Tháng 9/ 2011, Trung tâm vệ tinh Việt Nam, đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được thành lập. Đây là đơn vị có chức năng tiếp nhận, quản lý và thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Trong chương trình hợp tác cụ thể, Viện Công nghệ vũ trụ (STI) phối hợp với Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm gồm Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất hiện đại; Chuyển giao công nghệ hai vệ tinh nhỏ quan sát trái đất với cảm biến rađa hiện đại, có độ phân giải cao, riêng của Việt Nam dùng cho giám sát thảm họa thiên nhiên và quản lý tài nguyên môi trường và ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh; Đào tạo nguồn nhân lực (quy tụ khoảng 350 chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, quản lý…) và khả năng công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ Nhật Bản.

Sau khi Dự án được hoàn thành, Việt Nam sẽ có một trung tâm nghiên cứu triển khai, đào tạo khoa học và công nghệ vũ trụ hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Thông qua dự án, theo đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam có thể giảm thiểu được 10% thiệt hại do các thảm họa thiên tai gây ra.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ có khả năng tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất có độ phân giải cao tiên tiến trên thế giới.

Đối với triển vọng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, ông Tetsuo Tanaka, Giám đốc Ban hợp tác quốc tế của JAXA nhận định, hai quốc gia có tiềm năng hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực viễn thám và ứng dụng, phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ, xây dựng năng lực và các hợp tác nghiên cứu dựa trên khả năng sử dụng trạm vũ trụ quốc tế.

Trong vai trò là Cơ quan đầu ngành về nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ trụ tại Việt Nam, Viện Công nghệ vũ trụ đã rất tích cực hợp tác trong các dự án nâng cao năng lực về phát triển công nghệ vũ trụ do Chính phủ Nhật Bản tài trợ như Dự án SAFE- Ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát môi trường, Chương trình vệ tinh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong 5 năm thành lập Viện (2006-2011), tập thể cán bộ viên chức Viện Công nghệ vũ trụ đã thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, vươn lên trở thành một trong những Viện chuyên ngành hàng đầu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 sẽ làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất; đến năm 2030 có thể tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất, tập thể Viện Công nghệ vũ trụ đang nỗ lực phấn đấu không ngừng nhằm đưa công nghệ vũ trụ trở thành công cụ đắc lực trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, lãnh thổ và thiên tai, đạt tầm cỡ ngang với các Viện nghiên cứu hàng đầu về công nghệ vũ trụ của các nước trong khu vực.

Nhân dịp này, Viện Công nghệ vũ trụ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ vũ trụ - 2011.”

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số báo cáo, tham luận với những nội dung trọng tâm như dự đoán tư thế vệ tinh quan sát Trái Đất bằng phương pháp hợp nhất dữ liệu đa cảm biến; Đo cao vệ tinh trong nghiên cứu cấu trúc địa chất Biển Đông Việt Nam; Ứng dụng công nghệ viễn thám góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu biển-đảo phục vụ công tác an ninh-quốc phòng…./.