Hơn 70% vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi xe máy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và...

Kinhtedothi - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu về sở hữu, sử dụng và các giải pháp nâng cao an toàn cho người điều khiển mô tô, xe máy” nhằm bàn thảo và đưa ra các giải pháp về công nghệ để nâng cao ATGT, giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông của mô tô và xe máy.

Hơn 70% vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi xe máy - Ảnh 1

Quang cảnh hội thảo.

Theo số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia, xe máy hiện đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trên cả nước. Cùng với những ưu điểm nổi trội như tính cơ động cao, linh hoạt, giá thành rẻ, trong những năm tới đây xe máy sẽ vẫn tiếp tục là phương tiện đi lại quan trọng của người dân Việt Nam. Tuy nhiên tai nạn giao thông đối với người đi xe máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Do đó đòi hỏi cấp thiết cần phải tăng cường quản lý nhằm bảo đảm an toàn, kéo giảm nguy cơ tai nạn cho hoạt động tham gia giao thông của người đi mô tô, xe máy, đồng thời phát huy được những lợi thế và hiệu quả của loại phương tiện này.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và các chuyên gia quốc tế bàn thảo, đưa ra các giải pháp về công nghệ để nâng cao ATGT, giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông của mô tô và xe máy; bên cạnh đó công bố, đánh giá nghiên cứu của WB về ATGT đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy...

Ông Dominic Patella – Chuyên gia giao thông của Ngân hàng Thế giới cho biết: Tỷ lệ sở hữu xe máy ở các nước Đông Nam Á đã tăng gấp 3 lần, kể từ năm 2003 đến 2009. Các xe cơ giới hai bánh góp phần cơ bản trong mức độ tăng trưởng đó. Tác động của việc gia tăng cơ giới hóa và sở hữu xe máy đặc biệt rõ ràng tại các thành phố ở Việt Nam. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về vấn đề này chủ yếu tập trung vào các xe cơ giới hai bánh, (còn gọi là xe máy), cùng với các loại phương tiện khác, bao gồm xe môtô, xe scooter và xe máy điện. Hiện nay, những hiểu biết của người dân cũng như các cơ quan chức năng hữu quan về việc quản lý phương tiện vận tải này còn rất ít. Chính vì vậy, cần có sự tìm hiểu sâu hơn về xe máy và những gì có thể triển khai khai được, để có thể xác định vai trò của loại phương tiện này tốt hơn trong việc giải quyết nhu cầu đi lại khu vực đô thị.

Ông David Spice – Trưởng đoàn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới nêu rõ: Kết quả kiểm nghiệm được cho thấy, việc sở hữu và sử dụng xe máy ở Hà Nội có tính bền vững cao, và người sử dụng hiện nay không có tâm lý thay đổi hành vi đi lại, mặc dù họ cũng rất lo ngại về mức độ an toàn, các điều kiện môi trường cũng như các điều kiện khác về giao thông khi đi xe máy. Các vấn đề cụ thể thu được từ những cuộc điều tra, phân tích và nghiên cứu khác được xác định trong nghiên cứu bao gồm: Các đặc tính của xe máy  khiến cho loại phương tiện này hấp dẫn đối với người sử dụng và thỏa mãn những yêu cầu về di chuyển trong dòng giao thông đối với hầu hết mọi người; xe máy tận dụng diện tích mặt đường hiệu quả hơn ôtô về số người đi trên bất kỳ tiết diện nào của đường...

Ngoài ra, tại Hội thảo, các đại biểu còn cùng nhau chia sẻ công tác đào tạo lái xe an toàn; giải pháp tổ chức giao thông trong và ngoài đô thị để bảo đảm an toàn giao thông; kinh nghiệm quốc tế về an toàn giao thông cho xe máy. Trao đổi, thảo luận về công tác kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật; tình hình ô nhiễm môi trường do khí thải mô tô, xe gắn máy; giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của khí thải đến ô nhiễm môi trường; Công tác truyền thông, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn giao thông cho người đi xe mô tô, xe máy; Công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy …