Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Trong tháng, toàn ngành ước thu được 19.850 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến ngày báo cáo ước đạt 83.467 tỷ đồng, đạt 29,46% so với kế hoạch giao (tăng 21,05% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó: thu BHXH là 57.017 tỷ đồng, thu BHTN là 3.914 tỷ đồng, thu BHYT là 22.535 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ ước đến 30/4/2017 là 16.366 tỷ đồng, chiếm 5,7% so với số phải thu, tăng 2.347 tỷ đồng (16,7%) so với thời điểm 31/3/2017.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, trong tháng 4/2017, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn có một số khó khăn, vướng mắc sau: Nợ BHYT tăng so với tháng 3/2017 do một số địa phương chưa kịp thời chuyển nộp phần kinh phí ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT (Hà Giang, Bình Phước, Lâm Đồng, Hòa Bình, Hậu Giang, Sơn La, Bến Tre,...). Việc lập, phê duyệt danh sách đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng của một số địa phương chưa kịp thời đã ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn cấp thẻ BHYT cho người tham gia.Bên cạnh đó, công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động vẫn còn một số tồn tại như: một số tỉnh triển khai chậm, chưa in được phiếu đối chiếu quá trình đóng BHXH (Mẫu số 03) hoặc in ra chuyển cho người lao động khi chưa nhập quá trình đóng BHXH trước tháng 01/2009 vào cơ sở dữ liệu,...Đặc biệt là tình trạng nhiều cơ sở KCB BHYT không thực hiện đúng các quy định về định mức giá dịch vụ KCB BHYT, quy trình khám bệnh,… đã gây khó khăn cho ngành trong quá trình thẩm định, thanh toán chi phí KCB BHYT. Một số cơ sở y tế gửi dữ liệu lên cổng thông tin giám định BHYT còn chậm về thời gian, chưa đảm bảo về chất lượng ảnh hưởng đến công tác giám định (Lạng Sơn, Quảng Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Sơn La, Đồng Nai,...). Phần mềm quản lý trong lĩnh vực thuốc vàvật tư y tế hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý.