Kinhtedothi - Tại buổi Giao lưu trực tuyến: Trên mặt trận chống "giặc lửa" do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 28/10, nhiều vấn đề người dân quan tâm đã được đại diện các phòng, ban, đơn vị của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội làm rõ.
Khó xử lý cháy ở chung cư cũ
Hiện nay, Cảnh sát PCCC Hà Nội có 209 xe các loại: 83 xe chữa cháy, 8 xe cứu hộ, 12 xe téc nước, 10 xe trạm bơm, 17 xe thang (32 - 65m), 30 xe chỉ huy, 45 xe máy bơm ngõ sâu, 2 xe mô tô chữa cháy. Tiếp tục thực hiện dự án bổ sung 10 xe nhỏ chữa cháy áp lực cao, mua ống tụt phục vụ công tác cứu hộ không xuống được bằng đường thang thoát nạn... |
Về vấn đề được nhiều độc giả quan tâm là hiện nay, trên địa bàn TP có rất nhiều khu chung cư, khu tập thể, đặc biệt là các khu chung cư, tập thể cũ không đảm bảo an toàn về phòng chống cháy, nổ, phương tiện PCCC được trang bị chỉ "lấy lệ", Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Đặc điểm TP vẫn tồn tại các khu chung cư, tập thể, đặc biệt là các khu dân cư liền kề được xây dựng cách đây 60 - 70 năm, cá biệt có những khu dân cư liền kề được xây dựng từ kết cấu bằng gỗ. Trong khi quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, trang bị về thời điểm đó rất khó khăn, chỉ có hệ thống cấp nước chữa cháy, bình chữa cháy cục bộ. Vì thế, khi xảy ra cháy, cháy lan rất nhanh và gây thiệt hại lớn. Các phương tiện PCCC, hệ thống báo cháy, chữa cháy, trang bị bình chữa cháy, phương tiện chiếu sáng sự cố... được trang bị không đầy đủ theo các quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Vì thế không phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội tham gia giao lưu trực tuyến sáng 28/10. Ảnh: Phạm Hùng
|
Tại thời điểm các chung cư, tập thể này được xây dựng thì Luật PCCC chưa được ban hành, các quy chuẩn, tiêu chuẩn có thể chưa quy định việc bắt buộc phải trang bị các hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động... Trong quá trình kiểm tra, cơ quan Cảnh sát PCCC chỉ có thể đưa ra các khuyến cáo, kiến nghị cơ sở nên trang bị bổ sung các hệ thống PCCC chứ không thể bắt buộc phải trang bị, vì Luật PCCC ban hành sau nên các cơ sở đã tồn tại từ trước đó sẽ không thuộc đối tượng phải điều chỉnh. Do đó, để giải quyết dứt điểm những tồn tại, bất cập này rất khó khăn mà chỉ có thể tăng cường các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn về PCCC. Bên cạnh đó, cũng cần có sự phối hợp, huy động sức mạnh của Nhân dân với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. "Công tác PCCC là công tác toàn dân, không ai một mình làm được. Vì vậy, chúng ta đang xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC" - Đại tá Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Tiềm ẩn cháy ở cây xăng, quán bar
Bạn đọc Ngô Quang Anh (Gia Lâm) cùng nhiều độc giả đặt câu hỏi: Hiện nay, các cây xăng trong nội đô thường được bố trí gần với khu dân cư, điều này khiến người dân lo ngại trước nguy cơ cháy, nổ cây xăng. Vậy, Cảnh sát PCCC cho biết tình hình an toàn cháy nổ của các cây xăng trên địa bàn TP hiện nay có đảm bảo không?
Cẩn trọng việc sử dụng bếp gas gia đình
Bếp gas rất tiện ích, nhanh, sạch nên nhu cầu sử dụng tăng lên. Để hạn chế việc cháy nổ, chúng tôi khuyến cáo các gia đình sử dụng bếp gas phải an toàn, bình gas phải đảm bảo bình chất lượng, mua tại các cơ sở uy tín, đường van gas cấp lên bếp đảm bảo và van khóa an toàn. Khi bật bếp gas lên thì chúng ta phải ở khu vực đun nấu, khi rời khỏi thì phải tắt bếp. Nếu khi sử dụng có mùi gas rò rỉ thì phải gọi đơn vị cung cấp gas đến để họ có biện pháp sửa chữa ngay... |
Đại tá Nguyễn Văn Sơn trả lời: Vừa qua, Cảnh sát PCCC đã phối hợp với đoàn liên ngành của TP kiểm tra rà soát toàn bộ 489 cửa hàng xăng dầu (CHXD) trên địa bàn TP. Trong đó, 14 cửa hàng phải giải tỏa, di dời; 32 cửa hàng được phép cải tạo để tồn tại. Số còn lại đảm bảo điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC và có thể khắc phục ngay một số tồn tại, thiếu sót nhỏ để đảm bảo an toàn về PCCC trong quá trình kinh doanh. Ngày 26/8/2014, Ban Chỉ đạo 389 TP thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (gas). Đến thời điểm hiện tại, Đoàn đã kiểm tra 43 cửa hàng xăng dầu, tiến hành xử lý vi phạm 20 trường hợp, với số tiền 481 triệu đồng. Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra đến hết tháng 10. "Khi tham quan mô hình của Nhật Bản, họ có giải pháp kỹ thuật rất tốt, téc xăng, cây xăng bố trí ở tầng hầm, rất an toàn. Họ có thiết bị thu hơi xăng dầu, khi bơm xăng vào các bình chứa, hơi xăng được hút và đi vào hóa lỏng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tiến tới ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để vừa đáp ứng yêu cầu PCCC và đời sống dân sinh, hoạt động kinh tế trong đô thị" - Đại tá Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Một vấn đề được bạn đọc đặc biệt quan tâm là các quán bar, karaoke hiện là nơi tập trung rất đông người nhưng việc trang bị phương tiện PCCC lại rất thiếu. Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho hay: Các quán bar, karaoke thường là nơi tập trung đông người, đối tượng trong các cơ sở này thường đa dạng, vào thời điểm từ 9 - 12 giờ đêm. Qua việc kiểm tra theo dõi cho thấy, các cơ sở này thường dùng các vật liệu cách âm dễ cháy như nhựa, mút… Khi xảy ra cháy, khói của các vật liệu này rất độc hại. Các cơ sở này bước đầu đã cơ bản được trang bị các trang thiết bị chữa cháy, tuy nhiên còn nhiều cơ sở chưa được trang bị đầy đủ. Nguyên nhân dẫn đến cháy tại các cơ sở này thường do sử dụng điện thiếu an toàn, cải tạo, sửa chữa, hàn cắt kim loại không có biện pháp đảm bảo an toàn, để vẩy hàn bắn vào vật liệu dễ cháy dẫn đến cháy, khách hàng hút thuốc lá dẫn đến cháy... Ví dụ như vụ cháy quán 55 Mã Mây và Zone 9 do sửa chữa, hàn cắt gây ra.
Hàng năm, Cảnh sát PCCC TP đều xây dựng các kế hoạch và tổ chức kiểm tra chuyên đề theo các loại hình cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng tới các cơ sở dễ xảy ra cháy nổ, khu vui chơi giải trí, tập trung đông người như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, karaoke, vũ trường, nhà cao tầng, nhà kho, xưởng sản xuất… Qua kiểm tra về PCCC, số lượng quán bar đủ điều kiện về PCCC không lớn.
Đại tá Trần Văn Vụ nhấn mạnh: "Cảnh sát PCCC Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra những cơ sở đủ điều kiện mới cho hoạt động, không đủ điều kiện cần khắc phục tồn tại, thiếu sót. Cơ sở không đủ điều kiện mà không khắc phục thì báo cáo với cơ quan cấp phép kinh doanh rút giấy phép".
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP xảy ra 148 vụ cháy, nổ làm 18 người tử vong, 15 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính trên 52 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm thiệt hại do 2 vụ cháy đêm 18/10 vừa qua. Ước tính ban đầu, thiệt hại về tài sản 2 vụ cháy này là 130 tỷ đồng nhưng hiện tại, các cơ sở vẫn đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để thống kê cụ thể. Nguyên nhân của các vụ cháy chủ yếu vẫn là do chập điện (66 vụ - chiếm 44,59%); sơ suất khi sử dụng lửa, hút thuốc, thắp hương thờ cúng, hóa vàng (23 vụ - chiếm 15,54%). |