KTĐT - Hàng chục tấn máy móc hiện đại đã được chở đến và tập kết ven hồ Gươm, Hà Nội, chuẩn bị cuộc dọn nhà cho cụ Rùa bằng công nghệ tiên tiến lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
Máy móc đã sẵn sàng
Sáng 13/11, khi chúng tôi có mặt ven Hồ Gươm, đã thấy hàng loạt máy móc đang chuẩn bị được triển khai lắp đặt tại khu vực giữa Đền Ngọc Sơn và quán cà phê Thủy Tạ. Công nghệ hút bùn hiện đại của Đức sẽ được áp dụng trên 1/10 diện tích hồ (khoảng 1.000 m2).
Theo một kỹ sư người Đức, hệ thống làm sạch nước hồ có ba đơn nguyên, bao gồm kỹ thuật hút bùn; ép bùn trên băng tải rồi tách ra khỏi nước; xử lý nước sau khi hút bùn rồi trả lại hồ.
Máy hút bùn sẽ lặn dưới nước, trườn dọc theo đáy hồ, dùng hai vòi xoắn ốc để đào bùn, tiếp đó hút bùn vào một đường ống. Một chiếc phao nổi mang theo hệ thống điều khiển từ xa mang tên SediTurtle sẽ chỉ đường cho máy hút bùn. Chiếc điều khiển này có thể rẽ trái, phải...
Trước đó, ông Peter Werner, đại diện phía đối tác Đức khẳng định, công nghệ được sử dụng ít tác động đến môi trường, máy chạy êm, không gây tiếng động và giảm thiểu sự xáo trộn, cũng như các hợp chất độc hại. Ông cũng khẳng định, dự án phải làm hết sức cẩn thận và phải chăm sóc cụ rùa.
Vẫn bảo tồn được màu xanh của hồ
Cũng theo các chuyên gia Đức, kỹ thuật được áp dụng là kỹ thuật địa điện thủy văn hiện đại để khảo sát chính xác tầng bùn trước khi cải tạo.
Với kỹ thuật này, các độ sâu khác nhau dưới mặt nước hồ sẽ được đo bằng các cặp điện cực có cự ly khác nhau. Nhờ đó, các chuyên gia xác định được độ dày của tầng bùn, các thông số về cấu trúc và tính chất của tầng bùn, tầng đáy hồ; xác định các khu vực trong hồ gây cản trở sự trao đổi giữa hồ và nước ngầm.
Đáy hồ cũng không phải được nạo hút tổng thể mà được chia thành nhiều ô nhỏ. Máy hút bùn sẽ thực hiện hút theo từng ô. Việc này nhằm tránh tạo ra những thay đổi đột ngột cho môi trường sống của các sinh vật dưới đáy hồ.
Không như cách nạo vét hồ thông thường phải rút bỏ hết nước trong, làm tiêu diệt nhiều loài thủy sinh. Việc nạo vét bằng công nghệ của Đức lần này vẫn giữ nguyên nước trong hồ, bảo tồn màu xanh đặc trưng của hồ cùng với hệ vi tảo đặc hữu, bảo vệ môi trường sống của cụ Rùa.
Công nghệ này đã được áp dụng thành công tại hơn 100 hồ tại Đức. Trước khi tiến hành hút bùn ở Hồ Gươm, các chuyên gia Đức cũng đã thử nghiệm công nghệ này tại Ao cá Bác Hồ và đã thành công.
Dự kiến, vào đầu tuần tới, công tác hút bùn sẽ chính thức được khởi động. Sau khi đánh giá kết quả thực hiện, nếu thành công, toàn bộ hồ Gươm sẽ được làm sạch bằng phương pháp này.
Theo Phó Giáo sư Hà Đình Đức, Chủ nhiệm dự án phục hồi – ổn định bền vững Hồ Gươm, lớp bùn trong lòng Hồ Gươm ngày càng dày. Chỗ nông nhất của hồ chỉ còn 30-40 cm, sâu nhất 1,4 m. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, hồ có nguy cơ trở thành đầm lầy. Lượng nước trong lớp bùn của Hồ Gươm giảm rất nhanh theo độ sâu. Ở độ sâu 30 cm, hàm lượng nước là 80 phần trăm và bị khoáng hóa mạnh, chất liệu cứng và trơ. Hồ Gươm từng được nạo vét thủ công hai lần vào các năm 1993 và 2004. |