Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hút vốn vào cổ phần hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nay đến cuối năm phải cổ phần hóa (CPH) hơn 260 DN, số DN cần thoái vốn cũng lớn, lượng vốn trên thị trường không dồi dào, làm thế nào để thu hút nhà đầu tư (NĐT), bán vốn thành công và tiến trình CPH đúng kế hoạch là vấn đề được lãnh đạo các ngành, DN chia sẻ tại Hội nghị "Phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán" do Bộ Tài chính tổ chức sáng 1/4.

Kinhtedothi - Từ nay đến cuối năm phải cổ phần hóa (CPH) hơn 260 DN, số DN cần thoái vốn cũng lớn, lượng vốn trên thị trường không dồi dào, làm thế nào để thu hút nhà đầu tư (NĐT), bán vốn thành công và tiến trình CPH đúng kế hoạch là vấn đề được lãnh đạo các ngành, DN chia sẻ tại Hội nghị "Phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán" do Bộ Tài chính tổ chức sáng 1/4.
Tìm dòng tiền lớn

Tại Hội nghị, ông Hoàng Nguyên Học - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chia sẻ, năm nay, SCIC phải thoái vốn trên 300 DN, trong đó hơn 100 công ty đại chúng và niêm yết. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm mới bán vốn được tại 22 DN. “Từ nay đến cuối năm, mỗi ngày bình quân chúng tôi phải bán một DN là nhiệm vụ rất lớn và vô cùng khó khăn” - ông Học chia sẻ.
Dệt may hàng xuất khẩu tại Công ty Hanosimex.  	Ảnh:  Như Ý
Dệt may hàng xuất khẩu tại Công ty Hanosimex. Ảnh: Như Ý
Thực tế, ngay trong quý I, trong số 100 triệu CP chào bán đấu giá, số bán được chỉ chiếm 40%. Một vấn đề được ông Học đặt ra, đó là cơ chế hạ giá khởi điểm. Theo quy định hiện hành, mức giảm giá tối đa 10% sau khi đấu giá không thành công trong quá trình thoái vốn, và DN được giảm tới 30% (đến lần 3). Có DN thậm chí đấu giá đến vòng 2, vòng 3 vẫn không có người mua dẫn tới kéo dài thời gian, tăng chi phí và làm chậm tiến trình CPH. Đơn cử như gần đây nhất (19/12/2014), SCIC đã phải hủy phiên đấu giá 2,67 triệu CP của Công ty Docimexco vì không có một CP nào được đăng ký mua. Với những trường hợp như vậy, SCIC đề nghị tạm dừng bán mà tìm NĐT chiến lược sẽ hiệu quả hơn.

Chia sẻ quan điểm, ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý DN, Bộ GTVT cho rằng, việc xé lẻ CP bán ra thị trường vừa tạo ra sự bội cung và sẽ rất lâu mới hoàn thành CPH, vừa không khuyến khích các NĐT lớn mặn mà tham gia mua CP của các DN Nhà nước (DNNN). Do đó, thay vì bán lẻ ra bên ngoài, các bộ, ngành cần sớm hoàn hiện quy định thực hiện bán CP theo lô. “Cách thức mới trong thực hiện CPH DNNN đang theo hướng trực tiếp đàm phán với các NĐT lớn, có tiềm năng. Đáng nói là, trong những trường hợp này, cơ hội để tái cơ cấu tài chính, quản trị DN, thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh thông qua năng lực của NĐT chiến lược sẽ tăng lên rất nhiều” - ông Minh nhấn mạnh. Trên thực tế, Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, Cienco 5, Cienco 6, Cảng Quảng Ninh, Bệnh viện Giao thông… là những cái tên được giới đầu tư quan tâm trong thời gian qua khi xuất hiện các NĐT trong nước đặt vấn đề được mua toàn bộ CP mà DN chào bán.

Về quan điểm bán trọn lô CP cho NĐT, ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng, bán trọn lô rất quan trọng để tạo được sự thay đổi trong quản trị DN. “Các bộ nên thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đánh giá và ban hành quy chế đấu giá trọn lô mẫu” – ông Bằng nói.

Công khai, minh bạch

Cũng tại hội nghị, các nhà quản lý cho rằng, tỷ lệ đấu giá thành công vừa qua chưa cao do thời gian DN công bố ngắn và thông tin còn sơ sài. “Quy định công bố 20 ngày trước thời điểm đấu giá nhưng các DN chỉ công bố trong thời gian tối thiểu đó. Thời gian công bố ngắn như vậy khiến NĐT không có thời gian chuẩn bị vốn và thông tin đầy đủ. Thứ hai, trong tài liệu công bố thông tin chỉ bao gồm những thông tin cơ bản và nhiều DN thoái vốn không mở rộng các thông tin quan trọng khác, đáp ứng yêu cầu hồ sơ nhưng không thu hút được sự quan tâm của NĐT” - ông Bùi Hoàng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN) phát biểu.

Cùng với đó, đại diện UBCKNN cho rằng, để thúc đẩy quá trình CPH thành công và tạo niềm tin cho NĐT, cần thể chế hóa, buộc các DNNN gắn đấu giá với giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán để dễ dàng chuyển nhượng. Theo quy định mới, DNNN sau CPH khi đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng (vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên, có ít nhất 100 cổ đông) phải thực hiện việc đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong thời hạn 90 ngày. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Phó Tổng Giám đốc HNX cho biết, Sở hiện đang kiến nghị UBCKNN và Bộ Tài chính thúc đẩy thị trường UPCoM trong thời gian tới như mở rộng biên độ giá lên 20% trong quý II/2015, hạ phí, xây dựng các chỉ số ngành, phân khu vực thị trường để các NĐT dễ dàng tiếp cận thông tin... 
Theo Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), năm 2015 có 289 DN phải CPH, 3 tháng đầu năm mới CPH được 29 DN. Tính đến ngày 24/3, cả nước thoái vốn hơn 4.900 tỷ đồng, thu về hơn 6.000 tỷ đồng, bao gồm cả phần thoái vốn của SCIC. Theo ông Dominic Scriven - đại diện Nhóm công tác thị trường vốn CPH DNNN, thị trường tài chính Việt Nam hiện nay cần một lượng vốn lớn lên tới 5 -10 tỷ USD. Điều đó đòi hỏi Chính phủ cần có những giải pháp kỹ thuật để hút vốn và làm quá trình CPH thành công.