KTĐT - Để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm tiết kiệm, bên cạnh mức lãi suất tối đa là 14% một năm, các ngân hàng còn bổ sung thêm tính năng đảm bảo bằng đôla, hay biến động theo lạm phát.
Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm tại tất cả các ngân hàng đều ở mức 14% một năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Để tăng sự hấp dẫn và tính khác biệt, một số nhà băng đưa ra sản phẩm tiết kiệm đặc thù để thu hút khách hàng gắn 2 yếu tố đang “hot" hiện nay là đôla và lạm phát.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) giới thiệu sản phẩm tiết kiệm đảm bảo bằng USD. Theo đó, toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng sẽ được quy đổi tương đương theo đôla theo tỷ giá mua chuyển khoản của Agribank vào ngày gửi.
Khi đáo hạn khách hàng được nhận lại bằng VND số tiền gốc tương đương đôla theo tỷ giá mua vào chuyển khoản do ngân hàng công bố vào 8h30. Mức lãi suất mà khách hàng được hưởng với đảm bảo bằng đôla vẫn là 14% một năm.
Bên cạnh Agribank, một nhà băng cổ phần cũng có sản phẩm tương tự là Ngân hàng cổ phần Kiên Long.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo cấp cao của Agribank cho biết, ngân hàng không dùng biện pháp này để lách trần lãi suất huy động. Mục đích của việc đưa ra sản phẩm là giúp khách hàng yên tâm hơn khi gửi tiền đồng. Đại diện của ngân hàng này cho biết, theo dự báo của Agribank, tỷ giá đôla sẽ ổn định trong thời gian tới nên ngân hàng mới quyết định đưa ra sản phẩm này để ổn định tâm lý cho khách hàng gửi tiền đồng.
Trong khi đó, hàng loạt nhà băng khác thì tung ra sản phẩm lãi suất thả nổi với mức khởi điểm là 14% một năm, điều chỉnh mỗi tháng một lần. Với Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank)… sản phẩm còn được áp dụng cho cả những kỳ hạn dưới 1 tháng.
VPBank thì tung ra một sản phẩm lãi suất linh hoạt có tên gọi “Tiết kiệm thả nổi thịnh vượng” nhưng cam kết chỉ điều chỉnh tăng hàng tháng hoặc tối thiểu là giữ nguyên chứ không giảm, với lãi suất khởi điểm cũng là 14% một năm. Theo nhận định của một số chuyên gia ngân hàng, sản phẩm của VPBank thực chất là một dạng tiết kiệm “ăn theo lạm phát”. Nếu tỷ lệ lạm phát cao lên, lãi suất trên thị trường tăng lên thì người gửi tiền cũng được điều chỉnh tăng; nhưng khi giá cả tăng chậm lại thì lãi suất cũng không bị giảm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank không cho rằng sản phẩm của ngân hàng là gắn với lạm phát. “Chúng tôi chỉ thả nổi lãi suất theo thị trường theo chiều hướng tăng lên, giúp khách hàng đảm bảo quyền lợi của mình. Còn việc gắn lãi suất với lạm phát có thể khiến lãi suất vượt quy định hiện hành”, ông Hưng nói.