Áp chỉ tiêu huy động vốn cho nhân viên, tăng lãi suất kỳ hạn dài và nguy hiểm hơn, vẫn còn tình trạng vượt trần lãi suất…, câu chuyện vượt trần lãi suất, hút vốn đang có tín hiệu "nổi sóng" sau một thời gian khá yên ả.
Lo gần, lo xa
Theo văn bản giao chỉ tiêu huy động vốn trong hệ thống của Agribank thì từ 1/8, mỗi cán bộ, nhân viên của Agribank được giao chỉ tiêu huy động vốn từ tiền gửi của bản thân hoặc người thân, bạn bè... Đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc... nếu huy động mỗi tháng đạt trên 700 triệu đồng là hoàn thành xuất sắc, từ 500 - 700 triệu đồng là hoàn thành nhiệm vụ, dưới 500 triệu đồng là không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với các giám đốc, phó giám đốc sở giao dịch, chi nhánh loại I và II... con số này lần lượt là trên 600 triệu đồng, từ 400 - 600 triệu đồng và dưới 400 triệu đồng. Đối với cán bộ viên chức khác tại khu vực Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ là trên 400 triệu đồng, từ 200 - 400 triệu đồng và dưới 200 triệu đồng. Mức thấp nhất đối với cán bộ viên chức ở các địa phương khác đạt mức hoàn thành nhiệm vụ thì cũng phải huy động được 150 - 300 triệu đồng/tháng.
Agribank không phải là ngân hàng duy nhất thực hiện giao chỉ tiêu huy động vốn cho cán bộ, nhân viên. Một cán bộ tín dụng của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho biết, chuyện giao chỉ tiêu là hết sức bình thường trong hoạt động ngân hàng. Điều này sẽ giúp cán bộ ngân hàng có trách nhiệm hơn trong công việc, đồng thời đánh giá, xếp loại thi đua được công bằng hơn.
Hoạt động này đồng thời cũng là liệu pháp lo xa của nhiều ngân hàng. "Ngân hàng tôi không thiếu tiền, nhưng cũng phải áp dụng liệu pháp này để giữ không mất khách, cũng như chuẩn bị nguồn cho thị trường vốn cuối năm"- lãnh đạo một ngân hàng lớn cho biết.
Trước dự báo nguồn tiền gửi tiết kiệm sẽ giảm, nhiều ngân hàng đang cố huy động tín dụng bằng mọi giá.
Bên cạnh việc giao chỉ tiêu huy động cho nhân viên, gần đây, lãi suất kỳ hạn dài lại tiếp tục tăng. Lãi suất các kỳ hạn 24, 36, 48 và 60 tháng của Vietcombank hiện ở mức 10%/ năm so với 9,5% trước đây. Tại Vietinbank, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 11% một năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Ở khối ngân hàng cổ phần, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài (theo niêm yết) vẫn cao nhất ở 12,5% một năm.
Bí quá làm “liều”
Theo nhiều dự báo, lãi suất thời gian tới sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm. "Lãi suất có khả năng xuống nữa do lạm phát có thể xuống dưới 5%. Như vậy, chúng ta có thể đưa trần huy động từ 9% xuống 7%"- chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh dự báo. Bởi thế, "kích" huy động vốn có thể coi là động tác đón đầu của nhiều ngân hàng trước dự báo lãi suất sẽ giảm, tiết kiệm sẽ giảm sức hút.
Qua tìm hiểu đến ngày 8/8, một số ngân hàng vẫn "âm thầm" áp dụng mức lãi suất 11,5% cho kỳ hạn 1 tháng. Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng vượt trần lãi suất phản ánh rằng, vẫn còn ngân hàng khó khăn về thanh khoản. Hơn nữa, trong bối cảnh tiết kiệm bớt hút khách mà thời điểm cuối năm, lượng tín dụng giải ngân ra nhiều cũng là sức ép khiến một số ngân hàng "cố công" huy động bằng mọi giá.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc ngân hàng vượt trần lãi suất là hết sức nguy hiểm. Nhưng vấn đề quan trọng là NHNN nên gỡ bỏ tư duy "bảo hộ" theo kiểu khẳng định "sẽ không có ngân hàng nào phá sản". "Nếu ngân hàng hoạt động kém, cần thiết phải cho phá sản. Có như thế, người dân sẽ không dám mạo hiểm gửi tiền vào những ngân hàng vượt trần vì sợ rủi ro"- ông Hiếu nói.