70 năm giải phóng Thủ đô

Huyện Gia Lâm: chuẩn bị đón nhận huyện Nông thôn mới nâng cao vào quý IV/2024

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 27/9, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 24.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt, tại hội nghị lần này, các đại biểu tập trung xem xét, thảo luận, cho ý kiến về 7 nội dung liên quan đến 5 nhóm vấn đề, gồm: Kết quả công tác 9 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024; Báo cáo tổng kết 5 Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025; kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2024 (đợt 3), đề cương chi tiết Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa 22 trình tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ 23, nhiệm kỳ 2025-2030…

Các đại biểu dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.

Tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết: 9 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện Gia Lâm quản lý tăng 11,73%; thu ngân sách Nhà nước đạt 4.825,8 tỷ đồng, bằng 112,6% dự toán TP và huyện giao, bằng 181,9% so với cùng kỳ năm 2023; các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển. Trên địa bàn huyện hiện có 4.504 doanh nghiệp và hơn 13.000 hộ kinh doanh đang hoạt động.

Công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 được chủ động triển khai sớm, bài bản. Việc tổng kết 5 Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XXII được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc để có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Qua 4 năm thực hiện, các chương trình công tác toàn khóa đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó 1 chỉ tiêu cơ bản đạt, 3 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt phát biểu tại hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt phát biểu tại hội nghị.

Về điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 (đợt 3), UBND huyện Gia Lâm đã thực hiện rà soát, đề nghị điều chỉnh giảm 104,5 tỷ đồng của 21 dự án (20 dự án chuyển tiếp, 1 dự án mới); bổ sung 182,54 tỷ đồng vốn cho các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn đề xuất bổ sung thêm; bổ sung 68,75 tỷ đồng cho 34 dự án đề xuất thực hiện mới thuộc nhóm các dự án: Tu bổ tôn tạo di tích theo Nghị quyết 02 của HĐND TP, xây dựng chợ Gióng, thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy; các dự án cải tạo, nâng cấp trường học phục vụ xây dựng trường chuẩn Quốc gia, cải tạo, sửa chữa trụ sở, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa phục vụ đại hội Đảng các cấp…

Huyện triển khai quyết liệt, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung công tác đầu tư xây dựng huyện thành quận; hoàn thành hồ sơ, báo cáo kết quả xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trình TP, Trung ương thẩm định bảo đảm tiến độ. Ngoài ra, trong tháng 9/2024, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng toàn thể người dân đã nỗ lực ứng phó với bão số 3, triển khai các giải pháp phòng, chống lụt bão, toàn huyện không có thiệt hại về người, khu vực đô thị không bị ngập nước. Sau bão, lũ lụt, công tác khắc phục hậu quả được khẩn trương triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả.

Các đại biểu đóng góp ý kiến.
Các đại biểu đóng góp ý kiến.

Tại hội nghị, đã có 10 đại biểu là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, đại diện các đơn vị, địa phương nêu ý kiến xung quanh các vấn đề: Quản lý, sử dụng đất đai; quy hoạch; xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ...

Theo đó, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền đã giao trách nhiệm cho các phòng, ban chức năng huyện, các địa phương thực hiện những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục thiệt hại do bão, lũ gây ra; xử lý dứt điểm vi phạm trong lĩnh vực đất đai; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn; việc sử dụng hiệu quả, duy tu, duy trì các nhà văn hóa xã… Về những vấn đề liên quan đến việc trình điều chỉnh, bố trí kế hoạch vốn để thực hiện các dự án trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cũng đề nghị Thường trực HĐND huyện xem xét sớm trong kỳ họp tới.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền phát biểu tại hội nghị.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh: Thời gian tới, huyện Gia Lâm tiếp tục tập trung thực hiện 2 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Triển khai các nội dung chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp huyện Gia Lâm bảo đảm toàn diện, hiệu quả, đúng tiến độ; hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội năm 2024, hướng tới hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; tập trung huy động nguồn lực, triển khai quyết liệt công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch nhằm tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển; tiếp tục chuẩn bị các nhiệm vụ tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tập trung thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng huyện thành quận; hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận mới 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 (Văn Đức, Yên Thường, Đa Tốn). Tiếp tục bám sát Sở, ngành TP và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương trình Hội đồng thẩm định, phê duyệt huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và chuẩn bị tốt Lễ đón nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao trong quý IV/2024.

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Huyện tiếp tục hoàn thiện Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập quận, hồ sơ Đề án thành lập quận Gia Lâm đến hết năm 2023, phấn đấu trình Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ thẩm định trong năm 2024.