Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 83 trường công lập từ mầm non đến THPT với 69.946 học sinh, được chia thành 1.920 nhóm lớp. Việc quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp hiện tại phù hợp với đặc điểm, tình hình của huyện, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn, cơ sở vật chất trường học được đầu tư đòng bộ và từng bước hiện đại.
Toàn ngành có 4.802 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 100% đạt chuẩn chuyên môn đào tạo. Việc sắp xếp, điều chuyển đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện nay đảm bảo đúng quy định, trên cơ sở đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi và hướng tới tạo sự đồng đều về chất lượng đội ngũ giữa các đơn vị.
Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng mũi nhọn được các nhà trường đặc biệt quan tâm, đạt được kết quả đáng khích lệ, số học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố, cấp quốc gia được duy trì.
Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học; công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia luôn được quan tâm và đạt kết quả cao. Toàn huyện có 63/78 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 80,77%.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác giáo dục đào tạo trên địa bàn huyện Gia Lâm như: Sĩ số học sinh một số trường còn cao, khó khăn cho việc đổi mới phương pháp dạy học; số lượng giáo viên, nhân viên biên chế còn thiếu, công tác quản lý các nhóm, lớp mầm non tư thục ở một số xã, thị trấn còn chưa chặt chẽ…
Phát biểu tại buổi làm việc, Tiến sĩ Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá cao sự đầu tư của huyện cho công tác giáo dục và đào tạo trong thời gian qua. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội mong muốn huyện Gia Lâm tiếp tục rà soát mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng phát triển giáo dục; nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, sắp xếp đội ngũ hợp lý; làm tốt công tác tuyển sinh đầu cấp, đảm bảo nghiêm túc, công bằng, khách quan; quan tâm chỉ đạo thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học.
Bên cạnh đó, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và định hướng chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội góp phần đảm bảo tiêu chí giáo dục khi từ huyện lên quận trong thời gian tới.