Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Mê Linh xây dựng hơn 850 mô hình kinh tế hộ gia đình

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với số dư nợ trên 312 tỷ đồng, người dân huyện Mê Linh đang đầu tư nhiều mô hình kinh tế. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mê Linh Quang Mạnh Hà cho biết, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập 250 đến 400 triệu/năm.

Thưa ông, để giải quyết việc làm cho người dân địa phương, nguồn vốn vay giữ vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Mê Linh đã ủy thác cho người dân vay vốn thế nào?
Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Mê Linh đã triển khai trên 312 tỷ đồng cho xấp xỉ khoảng 10.000 khách hàng được vay vốn. Thực sự, từ nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, thứ nhất, tạo được công ăn việc làm để giải quyết nhiều lao động dôi dư trên địa bàn huyện. Thứ nữa, giúp đỡ cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo thoát khỏi khó khăn trong cuộc sống, thoát nghèo để vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình.  
Các hộ gia đình đã sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư vào mô hình sản xuất chăn nuôi hay trồng trọt ra sao?
Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Mê Linh đã và đang đầu tư vào rất nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn toàn huyện. Với nguồn vốn vay được, người dân huyện Mê Linh đã triển khai các dự án trồng hoa, bưởi, chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò.
Đặc biệt, huyện Mê Linh có nhiều dự án phát triển kinh tế nên nguồn đất nông nghiệp dần bị thu hẹp nhưng vẫn phải giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Cũng như triển khai mô hình trồng cây ăn quả và phát triển trồng hoa màu.
Do vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện Mê Linh đã xây dựng hơn 850 mô hình kinh tế hộ gia đình chăn nuôi gia xúc, gia cầm tại hầu hết các xã. Nhiều xã phát triển mạnh về kinh tế hộ gia đình như: Tiến Thịnh, Hoàng Kim, Chi Đông, Văn Khê, Kim Hoa, Chu Phan... Đã có trên 520 mô hình trồng cây ăn quả, hoa màu tại các xã Liên Mạc, Hoàng Kim, Tiền Phong, Thanh Lâm, Đại Thịnh; gần 230 gia đình đầu tư mở cửa hàng buôn bán lẻ, kinh doanh dịch vụ.
 Người dân huyện Mê Linh đang chăm sóc hoa. Ảnh: Trọng Tùng
Đã có nhiều hộ gia đình sử dụng đồng vốn vay rất hiệu quả. Điển hình như hộ ông Lưu Văn Sỹ (xã hoàng Kim) vay 50 triệu đồng đầu tư trồng chuối 10 ha thuê ngoài bãi, thu nhập mỗi năm 400 triệu đồng, ngoài ra còn tạo việc làm cho 7 - 10 lao động. Hộ ông Bùi Văn Hiệp (xã Đại Thịnh) vay 50 triệu đồng trồng cây ăn quả ổi, chanh, đu đủ và rau xen canh cho thu nhập 300 triệu đồng. Hộ ông Nguyễn Văn Hùng (xã Liên Mạc) vay 40 triệu đồng đầu tư mở trang trại chăn nuôi bò, lợn, cá thu nhập 250 triệu đồng....
Để triển khai nguồn vốn có hiệu quả, Ngân hàng CSXH Mê Linh đã chú trọng rà soát đối tượng cũng như giám sát quá trình sử dụng?
Hiện Ngân hàng CSXH Mê Linh thực hiện ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, 5 hội đoàn thể cấp xã. Ngân hàng đã rà soát toàn bộ quy trình từ lúc khách hàng có nhu cầu vay vốn, đủ điều kiện thụ hưởng những vốn vay ưu đãi. Ngân hàng còn phối hợp với cấp ủy, các hội đoàn thể, chính quyền địa phương, trưởng thôn để rà soát, bình xét lựa chọn đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng vay vốn.
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Cùng với đó là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng CSXH. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho các hộ gia đình trong quá trình tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn và trả nợ, trả lãi tiền vay, gửi tiền tiết kiệm...
Xin cảm ơn ông!