Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Quốc Oai có hơn 400 trang trại đạt doanh thu 1 tỷ đồng/năm

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/8, Đoàn kiểm tra số 1 của Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2016 - 2020 tại huyện Quốc Oai.

Đến nay, trên địa bàn huyện Quốc Oai đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho 16 xã với tổng diện tích hơn 2.100ha. Trong đó vùng sản xuất chuyên canh cây hàng năm, vùng rau an toàn 276ha, vùng trồng lúa chất lượng cao 1.800ha, vùng chăn nuôi tập trung 104ha, trang trại tổng hợp 187ha, vùng trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi trồng thủy sản hơn 1.500ha.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng cây ăn quả xã Đông Yên, huyện Quốc Oai.
Trong trồng trọt đã hình thành nhiều vùng sản xuất theo hướng VietGAP có thương hiệu như nhãn muộn Đại Thành, chè an toàn Long Phú, rau an toàn… Trong chăn nuôi, toàn huyện hiện có 402 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên, trên 200 trang trại có doanh thu từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm.
Về xây dựng NTM, tính đến nay huyện Quốc Oai có 16/20 xã được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM, 4 xã còn lại là Đồng Quang, Cộng Hòa, Hòa Thạch, Đông Yên phấn đấu về đích năm 2017. Huyện phấn đấu thực hiện về đích huyện NTM vào cuối năm 2018. Đối với 4 xã đăng ký về đích NTM trong năm 2017, huyện đã rà soát, xây dựng kế hoạch, giao kinh phí thực hiện các công trình dự án đầu tư xây dựng đảm bảo các tiêu chí về đích NTM.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình 02 trên địa bàn huyện Quốc Oai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là sản xuất nông nghiệp vẫn là quy mô nhỏ, phạm vi hộ gia đình việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Ngoài ra, đất nông nghiệp sau khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong vùng quy hoạch sử dụng chưa theo kế hoạch chung của huyện, nhỏ lẻ, manh mún, chưa thu hút được DN đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, do yêu cầu của bộ tiêu chí cao nên kết quả thực hiện của các xã có số lượng tiêu chí cơ bản đạt còn nhiều, tiêu chí về môi trường và ATTP, công tác vệ sinh môi trường ở một số xã còn hạn chế, nhất là ở các làng nghề.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục đôn đốc hoàn thiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của 4 xã Đồng Quang, Cộng Hòa, Đông Yên Hòa Thạch và hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018, huyện Quốc Oai kiến nghị TP hỗ trợ, bố trí kinh phí và cho phép triển khai trước dự án Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, hiện đã có trong Quy hoạch đô thị sinh thái Quốc Oai.
Cùng với đó, bố trí vốn xây dựng trường THPT Quốc Oai và trường THPT Minh Khai đạt chuẩn quốc gia vào năm 2018. Đồng thời, hỗ trợ về cơ chế, kinh phí để xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề đảm bảo tiêu chí môi trường trong NTM.

Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã đi thăm mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại xã Đông Yên, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Tại các mô hình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã ghi nhận, biểu dương cách làm năng động, sáng tạo của các hộ sản xuất. Đồng thời đề nghị lãnh đạo địa phương, các hộ sản xuất tăng cường liên kết, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cho hiệu quả bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.