Huyện Sóc Sơn: Nhân rộng mô hình “học đường xanh”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua việc sử dụng men vi sinh có nguồn gốc tự nhiên để giải quyết ô nhiễm môi trường học đường, nhất là xử lý mùi hôi trong nhà vệ sinh và cống rãnh thoát nước, huyện Sóc Sơn đang từng bước hướng các em học sinh đến lối sống thân thiện với môi trường.

Hiệu quả bước đầu tích cực

Trường Tiểu học Phù Lỗ B (xã Phù Lỗ) là một trong những cơ sở giáo dục đang triển khai thí điểm mô hình “học đường xanh - thân thiện với môi trường” do UBND huyện Sóc Sơn phát động. Hơn 1 tháng qua, nhà trường phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ huyện nghiên cứu ứng dụng men vi sinh để làm sạch hệ thống cống rãnh thoát nước, làm sạch nhà vệ sinh.

Cô Đường Thị Thắm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phù Lỗ B, cho biết sau khi được tập huấn về mô hình “học đường xanh - thân thiện với môi trường”, ban giám hiệu nhà trường đã đề xuất được làm điểm. Thời gian qua, các giáo viên và học sinh nhà trường khi triển khai thực hiện mô hình đã nhận được sự tư vấn, hỗ trợ trực tiếp của bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện - Chuyên gia về môi trường. Bà Hà đã nghiên cứu và thực nghiệm thành công để tạo ra men vi sinh, ứng dụng bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý thành công ô nhiễm tại nhà vệ sinh trường học và các đường thoát của cống rãnh trong khuôn viên trường học.

Men vi sinh có nguồn gốc tự nhiên bước đầu giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong học đường tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Men vi sinh có nguồn gốc tự nhiên bước đầu giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong học đường tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn.

“Men vi sinh được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, dễ kiếm và có chi phí rất rẻ như trái cây… Nhà trường cũng được Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ một số nguyên liệu khác để sản xuất chế phẩm dùng trong xử lý mùi hôi nhà vệ sinh và cống rãnh thoát nước…” - cô Đường Thị Thắm chia sẻ thêm.

Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh có nguồn gốc tự nhiên giúp công tác vệ sinh môi trường tại trường Tiểu học Phù Lỗ B đạt nhiều kết quả tích cực; góp phần giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn tại về ô nhiễm môi trường trong các cơ sở giáo dục, nhất là tình trạng nhà vệ sinh không bảo đảm - điều từng được phụ huynh phản ánh là “nỗi ám ảnh” đối với con em, học sinh mỗi khi đến trường.

Đáng chú ý, chế phẩm được sản xuất rất đơn giản, từ những nguyên liệu dễ kiếm và có chi phí rẻ. Phụ huynh học sinh cũng có thể sản xuất ra loại men vi sinh này tại nhà để phục vụ việc làm sạch nhà vệ sinh, cống rãnh thoát nước, thậm chí là pha loãng để tưới tắm cho cây trồng, hoặc phối trộn làm dung dịch gội đầu từ thảo quả.

Học sinh trường Tiểu học Phù Lỗ B thoải mái hơn với việc sử dụng nhà vệ sinh trong trường học.
Học sinh trường Tiểu học Phù Lỗ B thoải mái hơn với việc sử dụng nhà vệ sinh trong trường học.

Nghiên cứu để từng bước nhân rộng

Theo Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn Trần Thị Thu Hà, sau khi UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai mô hình “học đường xanh - thân thiện với môi trường”, đơn vị đã tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện; đồng thời lựa chọn 7 trường học để làm điểm.

Một trong những giải pháp đầu tiên để hiện thực hoá “học đường xanh - thân thiện với môi trường” chính là việc nghiên cứu ứng dụng và sản xuất ra men vi sinh có nguồn gốc tự nhiên vào việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nước thải, làm sạch nhà vệ sinh, phòng học… Đến nay, men vi sinh này đang cho thấy hiệu quả tích cực trong xử lý ô nhiễm môi trường học đường.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn Trần Thị Thanh Huế cho biết, cùng với ứng dụng men vi sinh vào vệ sinh môi trường, huyện cũng chỉ đạo các nhà trường chỉnh trang vườn hoa, cây xanh, xây dựng những “Công trình măng non” để làm đẹp khuôn viên.

Mô hình "học đường xanh - thân thiện với môi trường" đang được huyện Sóc Sơn thực hiện thí điểm tại 7 cơ sở giáo dục.
Mô hình "học đường xanh - thân thiện với môi trường" đang được huyện Sóc Sơn thực hiện thí điểm tại 7 cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, các nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá như “1 phút làm sạch môi trường”, nhằm huy động sự tham gia tích cực của các em học sinh đối với mục tiêu xây dựng học đường xanh - thân thiện với môi trường...

Việc triển khai mô hình “học đường xanh - thân thiện với môi trường” được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Chữ thập đỏ và ngành GD&ĐT huyện Sóc Sơn trong giai đoạn 2022 - 2026. Không chỉ góp phần xây dựng không gian học tập an toàn, lành mạnh, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục, mà thông qua đó còn xây dựng nhân cách, lối sống thân thiện với môi trường cho các em học sinh.

Sau thời gian triển khai thí điểm tại 7 cơ sở giáo dục, dự kiến, Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn sẽ tổ chức nghiệm thu, đánh giá hiệu quả việc sử dụng men vi sinh trong xử lý môi trường học đường; nhân rộng ứng dụng góp phần xây dựng những không gian xanh - thân thiện với môi trường trong học đường.