Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan tại phiên giải trình của Thường trực UBND huyện Thạch Thất khóa 19, nhiệm kỳ 2016 - 2021 về Công tác quản lý Nhà nước với các mô hình chuyển đổi trong nội bộ đất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trong trên đất trồng lúa và công tác quản lý quỹ đất công trên địa bàn huyện.
Sai phạm trong sử dụng đất
Số liệu từ UBND huyện Thạch Thất, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 121 mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được UBND huyện phê duyệt.
Tuy nhiên, thực trạng sử dụng đất tại các mô hình chuyển đổi này còn nhiều bất cập, xuất hiện sai phạm trong xây dựng, sử dụng sai mục đích. Cụ thể, qua kiểm tra, rà soát huyện đã phát hiện 63 mô hình xây dựng nhà bảo vệ, nhà kho vượt diện tích được duyệt; 5 trường hợp chuyển đổi mục đích sang sản xuất, kinh doanh gỗ không phải mục đích sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng chuyển đổi mục đích sản xuất đất nông nghiệp nhưng sau đó không sản xuất mà tiến hành chuyển nhượng, hoặc cho các hộ khác thuê lại để sử dụng. Một số trường hợp không chấp hành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước sau khi chuyển đổi; một số trường hợp tự chuyển đổi mô hình khi chưa được UBND huyện phê duyệt…
“Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 108/121 mô hình chuyển đổi đã hết hạn từ ngày 15/10/2013. Hiệu quả kinh tế tại các mô hình chưa đồng đều, một số mô hình có hiệu quả kinh tế thấp, chưa tương xứng với diện tích được chuyển đổi” - ông Nguyễn Kim Loan cho hay.
Gia hạn mô hình hiệu quả
Chủ tịch UBND xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) Khuất Văn Trung cho biết, trên địa bàn xã có nhiều mô hình sau khi chuyển đổi đã đầu tư sản xuất vật nuôi, cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, số lượng mô hình chuyển đổi mục đích sản xuất đất nông nghiệp chiếm tới 50% tổng số mô hình trên toàn huyện, có một số mô hình cũng đã hết thời hạn.
“Nhiều chủ mô hình phải đầu tư lượng vốn tương đối lớn vào công tác sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, nhưng nhiều mô hình trong đó cũng đã hết thời hạn được phê duyệt, nên chúng tôi kiến nghị sẽ tiếp tục gia hạn cho các mô hình này” - ông Trung kiến nghị.
Một mô hình chuyển đổi mô hình sản xuất đất nông nghiệp sang chăn nuôi có vốn đầu tư lớn tại xã Đại Đồng. |
Cũng theo ông Nguyễn Kim Loan, mặc dù công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện gặp một số bất cập, nhưng một số mô hình đã phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Phần lớn các mô hình chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa rất nhiều lần, bình quân 1ha sau khi chuyển đổi có thu nhập từ 200 - 220 triệu đồng.
Một số mô hình cho hiệu quả cao như nuôi giun quế ở xã Phú Kim thu nhập 350 triệu đồng/năm; mô hình trồng bưởi tại xã Đồng Trúc, Phú Kim, Hương Ngải thu nhập từ 250 - 350 triệu đồng/năm.
“UBND huyện đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn rà soát 108 mô hình đã hết hạn, tham mưu huyện để báo cáo TP cho giải pháp quản lý đối với mô hình này. Đối với những mô hình sản xuất hiệu quả sẽ đề nghị tiếp tục gia hạn và khuyến khích các chủ mô hình đầu tư, thâm canh để đạt hiệu quả cao hơn” - ông Loan cho biết thêm.