Theo đó, thực hiện Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 4/9/2024 của UBND TP Hà Nội về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 5/9/2024 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 và ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Trì yêu cầu các cơ quan, đơn vị; các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, TP và huyện trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/02/2024 của UBND TP và Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 26/02/2024 của UBND huyện Thanh Trì về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố. Căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách.
Chú trọng tập trung đến các phương án phòng, chống úng ngập; phương án chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ ứng phó mưa to, gió lớn; phương án chằng chống nhà cửa, công trình, biển báo, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hoạt động sản xuất của Nhân dân; phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai, đặc biệt àl các xã ven sông Nhuệ (Tả Thanh Oai, Hữu Hòa, Đại Áng); phương án hỗ trợ đảm bảo đời sống Nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra.
Tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình tiêu thoát nước, các khu dân cư để kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra, nhất là các xã ven đô, có tốc độ đô thị hóa nhanh (Tân Triều, Thanh Liệt, Tam Hiệp, Tứ Hiệp).
Sẵn sàng sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm (ven sông, địa bàn trũng, thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đất và các khu vực nguy hiểm khác). Xí nghiệp Thủy lợi Thanh Trì, Xí nghiệp Thoát nước số 7, UBND các xã, thị trấn tổ chức vớt sen bèo, khơi thông dòng chảy các tuyến sông, kênh mương; tranh thủ vận hành công trình trạm bơm, cống tiêu, hạ thấp mực nước trong hệ thống kênh mương, ao, hồ, vùng trũng để gia tăng khả năng trữ nước khi mưa lớn, giảm nguy cơ ngập lụt, úng, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa mùa đang trỗ bông và diện tích rau màu vụ Thu Đông mới gieo trồng tại các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc; vận hành tối đa công trình thủy lợi khi xảy ra mưa lớn để đảm bảo tiêu úng...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Trì đặc biệt nhấn mạnh, đối với công tác ứng phó thiên tai, việc đề cao tinh thần cảnh giác, phát huy tinh thần “4 tại chỗ” và phối hợp nhịp nhàng trong ứng phó là những yếu tố hết sức quan trọng.
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 5/9, tâm bão số 3 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 420km về phía Đông. Cường độ bão tăng nhanh, hiện đạt cấp 16, giật cấp 17. Trong những giờ tới, bão tiếp tục duy trì cường độ, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10 - 15km/giờ. Dự kiến chiều tối ngày 7/9, bão đổ bộ vào đất liền khu vực Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình) với cường độ cấp 9 - 12, giật cấp 13 - 14. Đây là cơn bão lớn nhất trong hàng chục năm trở lại đây, có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh, TP khu vực Bắc bộ (trong đó có Thủ đô Hà Nội).