Mô hình “Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP” là một trong những mô hình chăn nuôi thủy sản được triển khai phổ biến hiện nay, là xu hướng tất yếu để tạo nên một nền nông nghiệp thủy sản an toàn, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ con người, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Khi áp dụng mô hình này, người sản xuất có thể kiểm soát được các yếu tố đầu vào từ khâu chuẩn bị nuôi, thả giống đến khâu thu hoạch để làm thực phẩm, giúp người nuôi quản lý môi trường tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi và cho năng suất vượt trội. Mô hình được triển khai với mục đích thay đổi tư duy của người nông dân trong nuôi trồng thủy sản, hướng tới nền sản xuất tiên tiến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đó, mô hình “Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP” được triển khai tại hộ gia đình ông Nguyễn Đức Sâm và hộ gia đình bà Đỗ Thị Thu Hà thuộc thôn Đại Áng, xã Đại Áng có quy mô 2ha/2 hộ. Mật độ nuôi 40% rô phi, 60% cá chép với mật độ 1,5 con/m2. Số lượng cá giống cấp cho hộ tham gia mô hình là 30.000 con; trong đó: cá chép V1 là 18.000 con, cá rô phi đơn tính là 12.000 con, kích cỡ: 4-10cm/con.
Khi tham gia mô hình, nhà nước sẽ hỗ trợ 50% giống, các hộ tham gia mô hình phải đối ứng 50%. Qua kiểm tra, cá giống khỏe mạnh, đồng đều, không dị tật, không dị hình, không mang mầm bệnh, được kiểm dịch theo quy định. Nguồn gốc con giống được nhập từ các cơ sở uy tín, chất lượng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.
Trong quá trình triển khai mô hình, các hộ được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Trì thường xuyên kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và quản lý ao nuôi, cách xử lý nguồn nước nuôi, phương pháp kiểm tra các chỉ số môi trường nước bằng test nhanh, cách nhận biết và phòng trị một số bệnh thường gặp trên đối tượng cá nuôi nước ngọt nhằm đảm bảo mô hình đạt hiệu quả cao.