Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thường Tín đổi mới công nghệ sản xuất đẩy lùi ô nhiễm môi trường

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sản xuất manh mún, phân tán, cơ sở sản xuất thường nằm ngay trong các hộ gia đình khiến ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở huyện Thường Tín nhiều năm về trước càng trở nên nghiêm trọng. Hiện để giảm thiểu ô nhiễm, các hộ gia đình ở nơi đây đã đầu tư công nghệ...

Bí thư Huyên ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh dự lễ công bố Điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng
Bí thư Huyên ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh dự lễ công bố Điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng

Thay đổi từ nhận thức của người dân

Để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường tiêu dùng, việc ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sẽ giúp các làng nghề truyền thống phát triển bền vững và giảm thiểu sự ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người dân địa phương.

Tại làng nghề lược sừng Thụy Ứng, xã Hòa Bình những ngày này không khó để cảm nhận được sự đổi thay rõ nét của làng nghề. Nơi cách đây 10 năm về trước từng là một trong những điểm nóng của Thủ đô Hà Nội về “vấn nạn ô nhiễm” môi trường bởi mùi hôi thối, bụi và ruồi muỗi vo ve quanh xóm làng suốt ngày. Điều đáng nói, mặc dù hiện nay làng Thụy Ứng có đến hàng trăm cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ nằm xen trong khu dân cư, trong các gia đình, thế nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đã được cải thiện rõ nét hơn trước. Dọc 2 bên đường làng, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc san sát nhau, đường làng ngõ xóm thông suốt, sạch sẽ.

Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng cho biết, để xóa điểm nóng về ô nhiễm môi trường, huyện và xã tích cực vào cuộc tuyên truyền, hỗ trợ người dân xử lý ô nhiễm. Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các cơ sở sản xuất ở đây xác định muốn sản xuất bền vững phải gắn với việc bảo vệ môi trường.

Vận hành máy dệt tại cơ sở sản xuất ở làng nghề Trát Cầu, xã Tiền Phong
Vận hành máy dệt tại cơ sở sản xuất ở làng nghề Trát Cầu, xã Tiền Phong

Do đó, các cơ sở sản xuất bắt tay vào đầu tư mua máy móc, trang thiết bị hiện đại từ phục vụ chế tác đến các thiết bị công nghệ giảm ô nhiễm môi trường, như: làm hầm hút bụi ngay trong nhà xưởng, các cơ sở sơ chế da và sừng trâu, bò cũng thực hiện xây bể lọc nước thải ngay từ đầu nguồn và ngay tại các gia đình.

Bên cạnh đó, năm 2021, UBND huyện và UBND xã cũng quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống cống rãnh khép kín thu gom nước thải của các cơ sở sản xuất làng nghề vào bể lọc nước thải rộng khoảng 250m3 để xử lý. Điều này đã giúp giảm thiểu ô nhiễm nước thải làng nghề sau khi thải ra hệ thống cống rãnh chung.

Cũng như làng nghề lược sừng Thụy Ứng, làng nghề Trát Cầu, xã Tiền Phong ký ức một thời về ô nhiễm môi trường do bụi và không khí từ đốt phế phẩm thừa khi sản xuất chăn ga, gối đệm bao phủ quanh làng nay đã lùi xa. Hiện, bộ mặt làng Trát Cầu đã “thay da đổi thịt”, đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông sạch sẽ, phong quang.

Anh Đỗ Thanh Tùng, Đội 6, thôn Trát Cầu chia sẻ, nhiều năm trước, nhận thức của người dân làng nghề làm chăn ga, gối đệm khác bây giờ. Thời điểm này các gia đình trong thôn chủ yếu mong kiếm nhiều tiền nên chưa quan tâm đến sức khỏe. Những năm gần đây, các gia đình đã đầu tư mua nguyên liệu tốt và máy móc hiện đại để sản xuất.

Đường giao thông trung tâm đi vào xã Tiền Phong nhiều năm trước luôn xuất hiện khói mù mịt do người dân đốt phế phẩm thừa khi sản xuất chăn ga, gối đếm nay đã phong quang, sạch đẹp
Đường giao thông trung tâm đi vào xã Tiền Phong nhiều năm trước luôn xuất hiện khói mù mịt do người dân đốt phế phẩm thừa khi sản xuất chăn ga, gối đếm nay đã phong quang, sạch đẹp

Cùng với việc đầu tư mua nguyên liệu tốt và sử dụng máy móc hiện đại đã giúp quá trình sản xuất không bị dư thừa phế phẩm như trước, ngược lại còn tạo ra sản phẩm chất lượng. Nhờ việc đầu tư và thay đổi này, các cơ sở sản xuất không chỉ tiết kiệm được chi phí về nhân công, sản lượng sản xuất tăng lên, mà còn giúp khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề. Vì vậy, môi trường làng nghề ngày một trong sạch hơn, bà con trong làng ai nấy đều vui mừng phấn khởi.

Xây dựng làng nghề thân thiện môi trường

Khảo sát thực trạng ở làng nghề Thụy Ứng, làng nghề Trát Cầu, huyện Thường Tín nhận thấy sự quan tâm của các cấp ngành trong việc xây hệ thống đường giao thông, cống rãnh tiêu thoát nước có nắp, xây bể xử lý nước thải, xây cụm công nghiệp (CCN) và với sự thay đổi ý thức của người dân đã giúp làng nghề trên địa bàn Thường Tín giảm ô nhiễm.

Để đạt được kết quả này, nhiều năm về trước huyện Thường Tín còn triển khai quy hoạch và xây dựng 11 CCN đã giúp các công ty, cơ sở sản xuất đang hoạt động trong khu dân cư của các làng nghề truyền thống trên địa bàn có được mặt bằng sử dụng ổn định sản xuất, đẩy lùi ô nhiễm môi trường và giải quyết việc làm cho lao động.

Nhờ thay đổi tư duy trong sản xuất, sản phẩm lược sừng Thụy Ứng đã và đang khẳng định được thương hiệu làng nghề trong và ngoài nước
Nhờ thay đổi tư duy trong sản xuất, sản phẩm lược sừng Thụy Ứng đã và đang khẳng định được thương hiệu làng nghề trong và ngoài nước

Các CCN trên địa bàn đi vào hoạt động từ nhiều năm qua với diện tích 195ha, tỉ lệ lấp đầy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề truyền thống đạt 100%, gồm: CCN Liên Phương (18,8ha), CCN Hà Bình Phương (41,6ha), CCN Duyên Thái (18,4ha), CCN Quất Động (23,6ha), CCN Quất Động mở rộng 43ha...

Không dừng lại ở đó, những năm gần đây huyện Thường Tín còn quy hoạch, đầu tư xây dựng mới và mở rộng hạ tầng cơ sở hàng loạt các CCN như: CCN Tiền Phong giai đoạn 2, CCN Ninh Sở giai đoạn 2 và xây dựng mới CCN Thắng Lợi. Và trong thời gian tới, Thường Tín sẽ còn xây mới nhiều CCN khác…

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh chia sẻ: nhờ có sự vào cuộc của TP và huyện đưa ra nhiều giải pháp cũng như việc nâng cao ý thức người dân gắn sản xuất với công tác bảo vệ môi trường phần nào giúp các hộ sản xuất, doanh nghiệp lợi nhuận ngày một gia tăng. Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề cũng giảm rõ rệt.

Điều này góp phần quan trọng vào việc xây dựng hình ảnh các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thường Tín trở thành điểm tham quan, du lịch làng nghề hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó, đưa thương hiệu sản phẩm làng nghề của địa phương ngày một vươn xa.

Bí thư Chi bộ thôn Thụy Ứng Nguyễn Tuấn Anh trao đổi với người dân tại khu vực nơi được đầu tư xây dựng bể lọc nước thải làng nghề về tính hiệu quả của dự án
Bí thư Chi bộ thôn Thụy Ứng Nguyễn Tuấn Anh trao đổi với người dân tại khu vực nơi được đầu tư xây dựng bể lọc nước thải làng nghề về tính hiệu quả của dự án

Có thể thấy, việc các làng nghề Thụy Ứng, Trát Cầu hay sơn mài Hạ Thái, mộc Vạn Điểm…ở Thường Tín nỗ lực đầu tư công nghệ, máy móc và chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng phần nào đã giúp thương hiệu sản phẩm làng nghề nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

“UBND huyện cũng như các xã có làng nghề luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường và không chỉ mong muốn bán được nhiều sản phẩm mà còn hướng tới xây dựng huyện trở thành địa phương có chuỗi du lịch làng nghề gắn với du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, sáng, xanh, sạch đẹp, thân thiện” - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh khẳng định.