Quy trình chặt chẽ
Dự họp Hội đồng nghệ thuật có Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh; Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cùng các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực điêu khắc, mỹ thuật, lịch sử, giảng viên các trường đại học và đại diện các phòng ban chuyên môn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, căn cứ vào kết quả của tọa đàm khoa học về Danh nhân văn hóa Đại thi hào Nguyễn Du với Thường Tín và sắp xếp bài trí bố cục các hạng mục trong không gian vườn hoa Nguyễn Du tại văn bản 01/CTCPSH ngày 1/12/2023 của Công ty CP Tư vấn thiết kế và dịch vụ Thương mại Sông Hồng.
Đơn vị tài trợ tặng công trình tượng đài Danh nhân văn hóa Đại thi hào Nguyễn Du đặt tại khuôn viên trụ sở UBND huyện Thường Tín. Dự kiến quy mô, khối lượng hạng mục công trình gồm: bệ tượng cao từ 2,5 đến 3,2m; tượng cao từ 3,9 đến 5m. Tượng đài có chất liệu hợp kim đồng, khung lõi tượng chất liệu thép không gỉ. Phần bệ tượng bê tông cốt thép ốp đá tự nhiên.
Mục tiêu của dự án nhằm hiểu rõ về lịch sử truyền thống và nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Bảo đảm sự hài hòa, cân đối giữa môi trường cảnh quan xung quanh. Phục vụ Nhân dân thăm quan, giới thiệu lịch sử - văn hoá, rèn luyện thể dục - thể thao, văn hoá - văn nghệ. Niềm tự hào, vinh dự của người dân huyện Thường Tín nơi Nguyễn Du đã có thời gian làm quan Tri phủ và mục đích tôn vinh người có công lao với quê hương đất nước.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, ngày 7/12/2023 UBND huyện Thường Tín có văn bản số 1749/UBND-QLĐT xin ý kiến TP về việc đề xuất chấp thuận chủ trương tiếp nhận tài trợ công trình tượng đài Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du tại thị trấn Thường Tín.
Ngày 21/2/2024, Sở Văn hóa & Thể thao đã ban hành văn bản số 632/SVHTT-QLDSVH về việc đồng ý cho tiếp nhận tài trợ công trình (tặng công trình) tượng đài Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du. Theo đó, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội đã thống nhất đồng ý với đề xuất của UBND huyện Thường Tín.
Qua đó, huyện Thường Tín đồng ý tiếp nhận tài trợ của Công ty CP Tư vấn thiết kế và dịch vụ Thương mại Sông Hồng. Đơn vị tài trợ xin ý kiến lập danh sách Hội đồng nghệ thuật với cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao & du lịch và được chấp thuận tại văn bản số 195/MTNATL-MT ngày 10/4/2024.
Đơn vị tài trợ triển khai các bước thực hiện dự án theo quy định. Trong đó, thành lập Hội đồng nghệ thuật, mời sáng tác mẫu phác thảo. Qua đó các nhà điêu khắc hoàn thành mẫu phác thảo bước 1. UBND huyện căn cứ vào mục đích, ý nghĩa tổ chức hội nghị thực hiện quy trình bước lựa chọn mẫu phác thảo tượng đài Danh nhân Văn hoá thế giới Đại thi hào Nguyễn Du bước 1.
Đặc biệt trong đó, Ban tổ chức xin ý kiến đóng góp, phân tích chuyên sâu, những lựa chọn sáng suốt, sự đồng tình thống nhất của Hội đồng nghệ thuật, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và chuyên gia, cùng các cơ quan, đơn vị, cá nhân…tham gia đóng góp nhằm bảo đảm về tính kỹ - mỹ thuật, chất lượng công trình.
Đây là niềm tự hào to lớn và vinh dự của Nhân dân huyện Thường Tín nơi đại thi hào Nguyễn Du đã có thời làm quan Tri phủ của huyện lúc 38 tuổi và sâu xa hơn nữa là mục đích tôn vinh, tri ân người có công lao với đất nước. Góp phần xây dựng quê hương Thường Tín văn minh, giàu đẹp và bản sắc.
Đúc tượng bằng nguồn xã hội hóa
Tiếp đó, các nhà khoa học có nhiều ý trao đổi trong việc xây dựng mẫu tượng. Cụ thể, PGS.TS Ngô Tuấn Phong, Phó cục trưởng cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) đánh giá 4 bức tượng mẫu đưa ra đều có tư thế cầm bút và sách, tư thế đứng, ngồi rất nho nhã, thư sinh đúng phong thái, chất của đại thi hào Nguyễn Du.
Nhà Điêu khắc Nguyễn Phú Cường - Nguyên phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chia sẻ: cả 4 bức tượng của 2 nhóm tác giả đều có đặc điểm chung thể hiện rõ các tư thế đứng và ngồi với nét mặt rất có hồn. Tuy nhiên, chưa thể hiện rõ độ sắc nét gương mặt của đại thi hào Nguyễn Du sức trẻ khi ở Thường Tín thời điểm đó.
Trong 4 bức tượng thì bức tượng miêu tả tư thế đại thi hào Nguyễn Du đang ngồi cầm sách bút là hợp lý hơn cả. Bức tượng ngồi nhìn thoáng qua gương mặt có hồn, với tinh thần rõ nét. Do tượng sẽ được đặt trong vườn hoa nên tượng phải có dáng ngồi bảo đảm tính nghệ thuật, bố cục chặt chẽ phù hợp hơn cả, nhất là khi Nhân dân đến vườn hoa sẽ cảm nhận thấy gần gũi.
Khi bố trí vị trí sắp đặt tượng trong vườn hoa phải ở vị trí phù hợp, hài hòa với môi trường, không gian, cảnh quan. Vị trí xung quanh cần bố trí cây xanh, thảm cỏ, thoáng về ban ngày, ban đêm không để bị khuất tầm nhìn. Bố trí ánh đèn ở vị trí cho phù hợp để mọi người vào vườn hoa buổi tối đều thấy tượng đại thi hào Nguyễn Du.
Họa sỹ Lê Vân Hải, nguyên phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tham gia ý kiến đóng góp với quan điểm các bức tượng mẫu với dáng dấp và trang phục quần áo của đại thi hào phù hợp với tượng ở một số nơi đã đúc, tuy nhiên, khi đúc tượng cần chỉnh sửa quần áo cho mềm mại, nét mặt trìu mến, tay cầm sách bút và ngồi đúng tư thế.
Kết thúc buổi hội thảo, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đánh giá cao và thống nhất với ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự, khẳng định thân thế, sự nghiệp của Danh nhân Văn hóa Thế giới Đại thi hào Nguyễn Du cần phải được tôn vinh.
Công trình tượng đài Nguyễn Du sẽ ghi dấu ấn trong đời sống tinh thần của Nhân dân huyện Thường Tín nói riêng và cả nước nói chung khi nhắc đến Thường Tín, nơi đại thi hào Nguyễn Du đã có thời làm quan Tri phủ. Đặc biệt, khi công trình được hoàn thành sẽ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan.
Đồng thời, Bí thư Huyện uỷ Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho một số ban, ngành, cơ quan chuyên môn của huyện để sớm quyết tâm thực hiện tượng đài Danh nhân Văn hóa Thế giới Đại thi hào Nguyễn Du ở giai đoạn tiếp theo.