Huyện Thường Tín: Nhiều địa bàn buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm đê điều

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Là huyện có tới 16km đường đê đi qua địa bàn 8 xã ven sông Hồng, tuyến đê hữu Hồng không chỉ bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản trực tiếp cho Nhân dân mà còn là toàn bộ địa bàn huyện Thường Tín và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, nhiều khu vực ven tuyến đê này đang bị đe dọa bởi hàng loạt công trình vi phạm chưa được xử lý triệt để.

 Tổ công tác của UBND huyện Thường Tín kiểm tra công trình vi phạm của ông Nguyễn Anh Dũng, xã Thống Nhất và yêu cầu UBND xã phải xử lý dứt điểm
Đến nay, trên địa bàn huyện Thường Tín có nhiều trường hợp đang sử dụng đất bãi ven sông Hồng làm địa điểm tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng; trong đó 6 bãi hoạt động không giấy phép, 4 bãi có giấy phép nhưng hoạt động sai nội dung được cấp phép. Đặc biệt, trên địa bàn xã Hồng Vân có 3 bãi chứa nằm trong phạm vi bảo vệ kè. Điều đáng lo ngại, tất cả các bãi chứa đều có xe tải trọng lớn hoạt động trong bãi và lưu thông trên đê…

Qua khảo sát thực tế hiện trường và từ thông tin phản ánh của người dân, cứ về đêm và gần sáng là thời điểm nhiều xe tải lớn chở vật liệu xây dựng hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mặt đê, thân đê ở nhiều đoạn thuộc địa bàn xã Thống Nhất, Ninh Sở, Tự Nhiên, Thư Phú… bị xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng rơi vãi cát cộng với mặt đê hư hỏng không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khiến nhiều người dân địa phương bức xúc.
 Nhiều hạng mục công trình của ông Nguyễn Anh Dũng, thôn Giáp Long, xã Thống Nhất vi phạm Luật Đê Điều
Ngoài những vi phạm trên, thời gian gần đây tiếp tục xảy ra nhiều vụ vi phạm Luật Đê điều tại các xã Thống Nhất, Hồng Vân, Ninh Sở…, trong đó có những vụ các đơn vị chỉ lập biên bản xong rồi bỏ đấy. Tại xã Thống Nhất, xảy ra tình trạng xây dựng công trình để làm nhà hàng, sân bóng của ông Nguyễn Anh Dũng và cơi nới xây dựng nhà ở dưới chân đê của ông Đào Xuân Đông. Cùng với đó còn có một số trường hợp xây dựng nhà tạm trong hành lang bảo vệ đê điều. Tại xã Hồng Vân, tình trạng tập kết cát, san lấp ao hồ và đầm; xây dựng lán xưởng trong phạm vi bảo vệ đê điều.
Những vi phạm trên tiềm ẩn nguy cơ gây sạt, trượt, mất an toàn công trình đê điều, khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố... Mặc dù Hạt Quản lý đê Thường Tín đã lập biên bản, đình chỉ hành vi vi phạm, chuyển hồ sơ đến UBND các xã để xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm này đến nay vẫn chưa được các địa phương xử lý triệt để, dù trước đó lãnh đạo UBND huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương.
 Công trình nhà cấp bốn của ông Nguyễn Anh Dũng vừa được cải tạo làm mới tại khu vực đất vùng bãi ven sông Hồng
Để không còn xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ngày 11/11, tổ công tác của UBND huyện đã đột xuất kiểm tra thực địa các công trình vi phạm tại xã Thống Nhất. Qua đó xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc thiếu quyết liệt xử lý vi phạm nên đã gây bức xúc trong dư luận. Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cùng đại diện phòng chuyên môn và lãnh đạo xã đã kiểm tra công trình vi phạm của hộ ông Nguyễn Anh Dũng và ông Đào Xuân Đông, đồng thời yêu cầu UBND xã Thống Nhất phải xử lý triệt để trong tháng 11/2021.
Với các vụ việc vi phạm này, trước đó UBND huyện Thường Tín đã nhiều lần chỉ đạo các xã ven sông Hồng tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về việc xây dựng công trình trái phép, khai thác khoáng sản, tập kết vật liệu xây dựng; tổ chức cho các đơn vị, cá nhân sử dụng đất ven đê, ven sông ký cam kết không vi phạm, di chuyển phương tiện, máy móc, vật liệu để trái phép ra khỏi hành lang thoát lũ, bảo vệ công trình đê điều, phòng chống thiên tai.
 Ông Đào Xuân Đông, thôn Giáp Long, xã Thống Nhất đang cơi nới nhà ở kiên cố trong hành lang bảo vệ đê sông Hồng
Cùng với đó giao cơ quan chức năng hướng dẫn các xã ven sông thu hồi diện tích đất đã cho thuê thầu không đúng quy định, sử dụng không đúng mục đích. Công an huyện xây dựng, chuẩn bị triển khai kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn, xử lý phương tiện quá khổ, quá tải trọng hoạt động trên đê, gây ô nhiễm môi trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, sử dụng đất đai… Tuy nhiên, thời gian qua, hàng loạt trường hợp vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, việc xử lý của các địa phương vẫn chưa quyết liệt và có hiện tượng "né" trách nhiệm.
 Khung nhà xưởng bằng tôn và công trình phụ được ông Đào Xuân Đông xây dựng trong hành lang bảo vệ đê sông Hồng
Để tạo chuyển biến trong xử lý vi phạm nêu trên, huyện Thường Tín cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai cho cán bộ và Nhân dân. Đồng thời phải kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều đang tồn tại, đặc biệt là những trường hợp tái vi phạm, vi phạm mới phát sinh. Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra công vụ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các địa phương để xảy ra vi phạm kéo dài nhưng không cương quyết xử lý.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần