Tối 9/11, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã chính thức tuyên bố từ chức, mở đường cho việc đàm phán thành lập một chính phủ mới trên cơ sở liên minh của nhiều chính đảng. Tuy nhiên, các lực lượng chính trị tại Hy Lạp hiện đang tranh cãi gay gắt về việc lựa chọn nhân vật nào thay thế ông Papandreou. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tới dân chúng Hy Lạp, Thủ tướng George Papandreou đã tuyên bố từ chức, đồng thời chúc người sẽ thay thế mình và chính phủ mới thành công trong việc đưa Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay. Ông Papandreou cũng khẳng định sẽ sát cánh và ủng hộ chính phủ mới trong giai đoạn khó khăn này. Ông nhấn mạnh chính phủ mới sẽ phải làm tất cả những gì có thể, không chỉ để giúp Hy Lạp tiếp tục ở lại trong khu vực sử dụng đồng euro mà còn để triển khai thỏa thuận về gói cứu trợ đã ký với Liên minh châu Âu hôm 26/10 vừa qua. Thông qua việc đàm phán thành lập chính phủ mới, các chính đảng ở Athens muốn phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới các đối tác và cộng đồng quốc tế rằng người Hy Lạp hiểu rõ trách nhiệm của mình và hiểu rõ sự cần thiết phải hợp tác trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Việc chọn ai làm người thay thế ông George Papandreou đang là một vấn đề khiến các chính đảng tại Hy Lạp tranh cãi quyết liệt. Trước đó đã có tin Chủ tịch Quốc hội Filippos Petsalnikos sẽ là người được chọn tuy nhiên sau đó nhiều nghị sỹ, trong đó có các nghị sỹ thuộc Đảng Xã hội (PASOK) cầm quyền đã phản đối đề cử trên với lý do ông này có lập trường gần gũi với cựu Thủ tướng George Papandreou. Ông Petsalnikos là một trong những thành viên sáng lập Đảng Xã hội (PASOK) cùng với cựu Thủ tướng Andreas Papandreou - cha của ông George Papandreou. Hiện cựu Phó Chủ tịch ngân hàng châu Âu Lucas Papademos đang được nhắc tới như là ứng cử viên số 1 người thay ông Papandreou. Theo Phủ Tổng thống Hy Lạp, một cuộc họp của đại diện các chính đảng sẽ diễn ra trong ngày 10/11 và có thể sẽ có một giải pháp được đưa ra.
Theo thỏa thuận đạt được với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 10 vừa qua, Hy Lạp sẽ nhận được 100 tỷ euro tiền cho vay từ Eurozone, được xóa nợ tổng cộng 100 tỷ euro và được nhận các cam kết cho vay trị giá 30 tỷ euro từ các chính phủ thành viên khu vực. Đổi lại, Hy Lạp phải siết chặt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" vốn là nguyên nhân làm nổ ra các cuộc biểu tình trên đường phố và bất ổn chính trị khiến chính phủ phải từ chức. Bất ổn chính trị và sự bế tắc trong tiến trình thành lập chính phủ mới cũng đã khiến EU ngừng cấp các khoản vay cho Athens.