Ngày 30/6, tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản và Mỹ đã nối lại cuộc đàm phán song phương về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với mục tiêu thu hẹp nhiều nhất những bất đồng trước khi giới chức của 12 nước thành viên tham gia đàm phán nhóm họp ở Canada vào cuối tuần này. Trong cuộc đàm phán cấp chuyên viên kéo dài ba ngày này, Nhật Bản và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất trong khuôn khổ TPP, sẽ thảo luận về biểu thuế đối với các nông phẩm trọng yếu của Nhật Bản và những rào cản thương mại trong ngành ô tô. Đây là những điểm vướng mắc lớn nhất của hai nước hiện nay. Theo các chuyên viên tham gia đàm phán, trọng tâm của cuộc đàm phán lần này nhằm vào việc liệu hai bên có thể giải quyết những bất đồng về thuế quan và các biện pháp bảo hộ đối với việc nhập khẩu thịt lợn và thịt bò hay không. Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Akira Amari, phụ trách đàm phán TPP, cho biết việc tổ chức cuộc đàm phán cấp bộ trưởng giữa Mỹ và Nhật Bản, thường diễn ra sau cuộc đàm phán cấp chuyên viên, sẽ dựa trên tiến triển của cuộc họp giữa 12 nước thành viên tham gia đàm phán vào ngày 3/7 tới tại Ottawa (Canada). Cho đến nay, các cuộc đàm phán Nhật - Mỹ về TPP đã đạt được những tiến triển nhất định trong việc áp dụng mức thuế quan cho năm nhóm mặt hàng nông nghiệp mà Nhật Bản đang bảo hộ. Theo đó, hai bên nhất trí về việc Nhật Bản có thể duy trì một mức thuế nhất định đối với ba nhóm mặt hàng là gạo, lúa mỳ và đường, vốn đang được Nhật Bản áp mức thuế nhập khẩu lần lượt là 778%, 252% và 328%. Đối với hai nhóm mặt hàng còn lại là thịt (bò, lợn) và các sản phẩm sữa, Mỹ muốn Nhật Bản miễn thuế hoặc giảm tối đa. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn giữ lập trường bảo lưu chính sách thuế nhập khẩu hiện nay ở mức 38,5% và cho biết chỉ có thể giảm con số này về mức 10%. Nhật Bản và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất trong số 12 nước hiện tham gia đàm phán TPP, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất này là một trở ngại cho việc sớm đi đến ký kết sáng kiến trên, khiến 12 nước thành viên bỏ lỡ thời hạn đầu tiên vào cuối năm 2013. Nếu TPP được ký kết, hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.