Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia Trung ương (BPS) cho biết nước này đã lần đầu tiên rơi vào tình trạng giảm phát trong vòng một thập kỷ qua, ở mức 0,03% trong tháng 5/2013.
Người đứng đầu BPS, Suryamin nói rằng giảm phát chủ yếu do giá giảm trên thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng như ớt, hành tím, hẹ và vàng trang sức, và đây có thể là dấu hiệu đà tăng trưởng của nền kinh đang chậm lại.
Theo ông Suryamin, tỷ lệ lạm phát trong tháng 5 là 2,3% so với tháng trước đó và ở mức 5,47% so với cùng kỳ năm ngoái, có thể sẽ tăng lên do chi tiêu gia tăng trong tháng 6 và tháng 7 - tháng diễn ra lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo và bắt đầu năm học mới.
Trung tâm thủ đô Jakarta. (Nguồn: guardian.co.uk)
Cũng theo BPS, Indonesia đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng tháng lớn thứ hai từ trước đến nay ở mức 1,62 tỷ USD trong tháng 4/2013, sau lần đầu tiên vào thaáng 10/2012 với 1,88 tỷ USD.
Thâm hụt thương mại này là một sự đảo chiều hoàn toàn từ mức thặng dư 304,9 triệu USD trong tháng trước đó, do xuất khẩu chỉ tăng 2,18% lên 14,7 tỷ USD, song nhập khẩu tăng tới 9,59% đạt 16,31 tỷ USD.
Nhìn chung, xuất khẩu của Indonesia trong Quý I/2013 đứng ở mức 60,11 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt 61,96 tỷ USD, và như vậy thâm hụt cùng kỳ là 1,87 tỷ USD.
Trong khi đó Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, Hatta Rajasa trong cuộc họp với Quốc hội liên quan đến kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2013 sửa đổi, nói rằng mức giảm phát 0,03% trong tháng 5 hoàn toàn phù hợp với dự đoán trước đó của Chính phủ, bởi xuất khẩu ròng âm có thể sẽ vẫn tiếp tục sau khi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này thâm hụt thương mại 1,62 tỷ USD trong tháng trước đó.
Bộ trưởng Hatta Rajasa cho rằng biến động lạm phát như vậy là bình thường và mọi điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Chính phủ Indonesia sẽ làm hết sức mình để kiểm soát giá cả để đảm bảo tỷ lệ lạm phát mục tiêu mới 6,9-7,2% theo kế hoạch ngân sách sửa đổi năm 2013, bởi cắt giảm trợ giá nhiên liệu có thể góp phần đẩy lạm phát tăng 1,5-1,6%.
Tuy nhiên, chuyên gia hàng đầu của Ngân hàng Danamon, Dian Ayu Yustina tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng tác động của việc tăng giá nhiên liệu được trợ giá thêm 1.000 rupiah/lít với dầu diesel và 2.000 rupiah/lít với xăng đóng góp có 0,41% vào tỷ lệ lạm phát, bởi chỉ khoảng 75% xe cá nhân sử dụng xăng dầu được trợ giá.
Theo bà, việc cắt giảm trợ cấp nhiên liệu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình, song chính phủ sẽ kiểm soát được lạm phát, và tỷ lệ này sẽ chỉ ở mức 6,02% vào cuối năm 2013./.