Diễn đàn Internet Việt Nam 2017. |
Việt Nam phát triển cùng thời đại công nghệ số
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Mai Liêm Trực, 20 năm trước, mạng Internet ra đời và tạo ra môi trường sống mới cho mọi người, hỗ trợ bổ sung cho môi trường thế giới vật lý bằng thế giới số, tạo ra môi trường offline và online song song. Mật độ người sử dụng Internet tại Việt Nam đã đạt 54% và mức độ sử dụng mạng trung bình là 4 giờ/ngày và với tốc độ này chúng ta đang từng bước tiến vào kỷ nguyên mới. Trên thế giới, Internet đã giúp kết nối 4 tỷ người và chúng ta đang hướng tới “Internet of things”, không chỉ kết nối con người mà còn máy móc, tạo ra hàng tỷ kết nối…
Cùng với nỗ lực phát triển Internet, Chính phủ Việt Nam thực hiện nhiều chính sách mở cửa, đón cơ hội hội nhập. Thứ nhất, những chính sách này đã giúp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ rất nhiều quốc gia… Năm 1990, tổng số thuê bao ở Việt Nam khá thấp ở mức 100.000. Nhờ chính sách mở cửa cho các nhà đầu tư lớn, kết nối quốc tế mà đã tạo thay đổi lớn. Thứ hai, Việt Nam đã mở cửa thị trường viễn thông, tăng khả năng cạnh tranh. Đây là quyết định quan trọng và đã được chính phủ Việt Nam triển khai thành công, do đó giá dịch vụ viễn thông đã giảm và khuyến khích khích người dùng. Thứ ba, nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, người dân không chỉ có cơ hội sử dụng modern, ADSL, cáp quang, cùng với đó là sự phát triển của điện thoại thông minh.
Về phần mình, Chủ tịch của Tập đoàn Ericson tại Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia, ông Dennis Brunetti nhận định, 20 năm trở lại đây, Internet Việt Nam đã đạt nhiều thành công lớn. Hiện nay, Việt Nam là một trong top 10 quốc gia có lượng người sử dụng mạng Facebook nhiều nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng liên quan tới mạng di động từ 2G, 3G và bây giờ là 4G, với hơn 80% người dùng mạng Internet qua kết nối di động.
Cơ hội và thách thức
Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, VIF 2017 là cơ hội tốt để ta có được những góc nhìn đa chiều về “cuộc sống trên Internet” trong một cộng đồng cởi mở để chúng ta có thể hướng tới thiết lập một hệ sinh thái Internet văn minh, minh bạch, đa dạng và an toàn. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như hiện nay, Internet cũng đem tới nhiều vấn đề thách thức, điển hình như trong hành vi của người sử dụng Internet ở một góc độ nào đó chưa theo kịp sự phát triển. Điều đó dẫn tới các vấn đề, ví dụ như việc sử dụng mạng xã hội cho những việc xấu…
Đồng quan điểm với các đại biểu, nguyên Thứ trưởng TT&TT Mai Liêm Trực chia sẻ 3 biện pháp nhằm hạn chế hành vi mang điều xấu lên không gian mạng. Thứ nhất là giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, ngày xưa gọi là bức tường lửa, sau gọi là phần mềm ngăn chặn. Thứ 2 là hành chính luật pháp, phải có những quy định luật pháp, nghị định, thông tư, luật lệ, bản thân các nhà cung cấp cần có quy định về thỏa thuận giữa khách hàng sử dụng và nhà cung cấp. Thứ 3 và điều quan trọng nhất là giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao dân chí và hạn chế những hành vi xấu.
Theo Giám đốc Asia Hub Malavika Jayaram, với sự phát triển của công nghệ số, thách thức của Việt Nam hiện nay là có quá nhiều chuẩn mực sống khác nhau, điển hình như khoảng cách chênh lệch cuộc sống giữa nông thôn và thành thị. Hiện nay, Internet được coi là một nhu cầu thiết yếu có thể ngang với điện, nước, phương tiện giao thông của các hộ gia đình tại Việt Nam. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay cũng còn khá nhiều người dân tại các khu vực vùng sâu, biển đảo… không có cơ hội tiếp cận Internet cũng như những thông tin cơ bản, điều này dẫn đến sự chênh lệch rõ ràng giữa nông thôn và thành thị.
Do vậy, cần có sự nâng cao về ý thức và năng lực của người sử dụng Internet, bằng cách nâng cao trình độ ngoại ngữ, qua đó giúp người sử dụng tăng cường khả năng truy cập Internet. Bên cạnh đó, theo Giám đốc Tiếp thị Microsoft Việt Nam Jeremy Showalter, cần có sự hỗ trợ từ các chính sách của chính phủ trong việc phát triển công nghệ mới giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.