Kinhtedothi - Ngày 21/10, Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương đã bán đấu giá gần 5 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), tương đương 29,5% vốn điều lệ công ty sau cổ phần hóa, mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.
Sự kiện lần đầu tiên một bệnh viện công lập của Việt Nam thực hiện cổ phần hóa đã thu hút đa dạng cơ cấu nhà đầu tư với sự tham dự của 33 nhà đầu tư và khối lượng đặt mua đạt hơn 11,7 triệu cổ phần, gấp 2,4 lần so với khối lượng chào bán.
Đáng chú ý, có nhà đầu tư sẵn sàng đặt mua toàn bộ khối lượng chào bán, và có nhà đầu tư trả giá cao gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm, tại mức giá 26.000 đồng/cổ phần. Điều này cho thấy cổ phần của một đơn vị công lập như Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương thực sự rất được nhà đầu tư quan tâm.
Phiên đấu giá ngày 21/10
|
Phiên đấu giá đã thu được kết quả khả quan khi 100% số cổ phần đưa ra chào bán đã bán hết cho 1 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức với giá đấu thành công bình quân là 23.597 đồng/cổ phần, giá đấu thành công cao nhất là 26.000 đồng/cổ phần, đây là mức giá thành công cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 116,8 tỷ đồng, cao hơn mức giá khởi điểm 67,3 tỷ đồng.
Theo ông Lê Tuyên Hồng Dương- Phó Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương, việc Bệnh viện thực hiện cổ phần hóa là bước đi đúng đắn theo chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Đồng thời, ông Dương cũng chia sẻ sau khi cổ phần hóa, quyền lợi của bệnh nhân khi đến với bệnh viện vẫn sẽ được giữ nguyên, và họ sẽ hài lòng khi sử dụng những dịch vụ với chất lượng tốt hơn trước.
Sự thành công của phiên IPO ngày không chỉ mang đến lợi ích cho bệnh viện, các bệnh nhân, các nhà đầu tư, mà còn là động lực để các đơn vị sự nghiệp công lập khác tiếp bước chuyển đổi mô hình, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp và xã hội.
Là Bệnh viện hàng đầu của y tế ngành giao thông vận tải, công tác khám chữa bệnh là lĩnh vực hoạt động trọng tâm của đơn vị. Hiện nay, Bệnh viện đang quản lý 363 giường bệnh thực kê với năng lực cung cấp gần 500.000 lượt khám bệnh và gần 11.000 lượt điều trị nội trú hàng năm.
Dự án Tòa nhà nghiệp vụ kỹ thuật và nội trú được xây dựng năm 2015 trong khuôn viên bệnh viện bằng nguồn vốn ODA và vốn Ngân sách đã chính thức đi vào hoạt động với quy mô 200 giường bệnh, góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh dự án mở rộng quy mô, Bệnh viện còn có kế hoạch thành lập các chuyên khoa với thiết bị khám chữa bệnh hiện đại như: Khoa khám, chữa bệnh liên quan đến bệnh nghề nghiệp ngành giao thông vận tải, Khoa y học hạt nhân, Khoa ung bướu...
Bệnh viện đặt mục tiêu đảm bảo năng lực khám chữa bệnh cho nhân dân khu vực các quận Cầu Giấy, Mỹ Đình, Từ Liêm và các tỉnh phụ cận, giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện ở 3 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa), đồng thời trở thành Bệnh viện đa khoa chất lượng cao, ngang tầm các bệnh viện ở khu vực Đông Nam Á, một số lĩnh vực theo kịp tiến độ khoa học của thế giới.
Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của Bệnh viện sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn Nhà nước tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện (khoảng 267,5 tỷ đồng).
Khi đó, dự kiến vốn điều lệ công ty cổ phần tăng lên từ 168 tỷ đồng (năm 2015) lên mức 435,5 tỷ đồng và tỷ lệ phần vốn Nhà nước sẽ tăng lên tương ứng khoảng 73%. Bệnh viện sẽ tiếp tục bán phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ Nhà nước nắm giữ ở mức 30%.