Ngày 6/7, Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran đã nhóm họp tại thủ đô Vienna của Áo nhằm thảo luận cách thức bảo vệ thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) sau khi Mỹ rút khỏi. Đây là cuộc họp cấp ngoại trưởng đầu tiên của các bên còn lại trong thỏa thuận JCPOA.
Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran đã nhóm họp tại thủ đô Vienna nhằm thảo luận cách thức bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran. |
Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc khẳng định trong một tuyên bố chung với Iran rằng họ vẫn giữ cam kết duy trì quan hệ kinh tế với Iran, trong đó có "việc Tehran tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt" cũng như các sản phẩm năng lượng khác.
Dù Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tháng 5 vừa qua. Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất gói kinh tế nhằm đảm bảo lợi ích của Iran trước tác động của lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt lên Tehran.
Ngoại trưởng Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc, Nga và Iran đã thống nhất tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tại hội nghị kéo dài 2 giờ ở thủ đô Vienna của Áo ngày 6/7, các đối tác của Iran cam kết duy trì, thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, tài chính rộng rãi hơn với Iran, ủng hộ Iran tiếp tục xuất khẩu dầu lửa cũng như các mối quan hệ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, và hàng không với nước này.
Các nước này cũng ủng hộ quyền xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Iran, bất chấp sự đe dọa trừng phạt từ Mỹ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, bà Federica Mogherini cho biết các bên tham gia cuộc họp đều ý thức được sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện các cam kết của thỏa thuận vì hòa bình, ổn định, và phát triển trong khu vực.
Các bên tham gia JCPOA tái khẳng định cam kết của mình trong việc thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận hạt nhân.
Bà Mogherini cho biết các bên tham gia sẽ thực thi các điều khoản đạt được thông qua các nỗ lực song phương hoặc qua đối tác quốc tế, để có được các chính sách giống nhau và thiết lập các mối quan hệ kinh tế tương tự nhau với Iran.
Phản ứng về kết quả cuộc họp, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho các nhà báo biết, các quan chức châu Âu đã cung cấp lý giải rõ hơn cách thức đảm bảo lợi ích của Iran trong một số lĩnh vực như dầu lửa, ngân hàng, và không cho biết thêm chi tiết.
Tuy nhiên, ông Zarif hối thúc EU thể hiện cam kết của mình trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran quay trở lại vào khoảng giữa tháng 8 và tháng 11 năm nay.