Quyết định mang tính đột phá được đưa ra, đó là việc các nhà đài cam kết không chạy đua mua bản quyền bằng mọi giá và quyết không có gói độc quyền phát sóng như trước.
Không mua đắt, không độc quyền
Trong 6 năm qua, K+ chính là đơn vị nắm ưu thế tuyệt đối về bản quyền. Họ độc quyền những trận đấu hay nhất ngày Chủ nhật. Thậm chí, các trận đấu ngày thứ Bảy thì đơn vị này cũng được phát sóng trận sớm nhất, chọn trận hay nhất. Sự độc quyền của K+ ở giải đấu hấp dẫn khiến nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người xem. Tuy nhiên, sự độc quyền ấy làm nảy sinh một vấn đề khác, đó là chi phí cho việc mua sóng tăng theo tốc độ phi mã. Người ta lo ngại rằng, cuộc chiến về bản quyền sẽ biến các nhà đài thành con thiêu thân lao theo ánh sáng của các công ty nước ngoài. Chi phí mà người xem bỏ ra sẽ ngày càng lớn và hưởng lợi lại chính là các công ty nước ngoài.
Khi giá trị bản quyền giải Ngoại hạng Anh tăng lên đến 5,1 tỷ bảng thì giới chuyên gia dự toán rằng, nếu không có một chính sách đúng đắn, các nhà đài Việt Nam sẽ phải chi từ 1.400 - 2.000 tỷ đồng cho bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh giai đoạn 2016 - 2020. Trước những diễn tiến bất lợi này, Bộ TT&TT đã ra văn bản yêu cầu các đài truyền hình không mua bản quyền bằng mọi giá. Hiệp hội truyền hình trả tiền đề xuất phương án các đài truyền hình tại Việt Nam sẽ thành lập một liên minh đàm phán mua bản quyền truyền hình. Liên minh có trách nhiệm mua bản quyền với giá không cao hơn 20% so với giai đoạn 2013 - 2016. Sau khi mua được bản quyền, các đài sẽ cùng nhau san sẻ và quyết không có việc độc quyền.
K+ đồng ý chia sẻ
Trong cuộc họp mới đây, 9/12 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình đã đồng ý với phương án do Hiệp hội truyền hình trả tiền đưa ra. Đáng nói, trong số những đơn vị đồng ý với đề xuất mang tính đột phá này có K+, nhà cung cấp dịch vụ vốn coi bản quyền là bài toán quyết định cho sự thành bại của mình.
Những người hiểu chuyện thì cho rằng, K+ không thể có lựa chọn khác trong vấn đề bản quyền truyền hình. Đã đến lúc, VTV - cổ đông lớn nhất của liên doanh K+ phải thuận theo những định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường truyền hình trả tiền.
Bên cạnh đó, thực tế khắc nghiệt của cuộc chiến giành bản quyền buộc K+ phải có những điều chỉnh chiến lược. Họ không một mình chạy theo món hàng xa xỉ trong khi số lượng thuê bao sau 7 - 8 năm phát triển vẫn dừng ở mức khiêm tốn. Với hơn 800.000 thuê bao, K+ không thể tăng thêm phí thu hàng tháng để bù vào khoản mua bản quyền. Họ buộc lòng phải thuận theo dòng chảy chung, chia sẻ trách nhiệm về tài chính với các nhà cung cấp dịch vụ khác và lấy chất lượng làm đòn bẩy cho sự phát triển.
Việc các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình có được tiếng nói chung trong nhận thức về bản quyền giải Ngoại hạng Anh là một tín hiệu đáng mừng. Tới đây, sẽ có một cuộc đấu không khoan nhượng giữa một bên là liên minh các đài truyền hình ở Việt Nam với đối tác MP&Silva - đơn vị đang nắm bản quyền. Và để có một kết quả chấp nhận được đòi hỏi phải có sự đoàn kết một cách thật sự từ các thành viên trong liên minh do Hiệp hội truyền hình trả tiền đứng đầu. Bởi, bất cứ một sự đi đêm nào từ các thành viên có thể làm phá sản định hướng đúng về bản quyền, đồng thời làm nảy sinh một cuộc chiến mà chiến thắng chắc chắn thuộc về các công ty nước ngoài.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|