Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kế hoạch tăng vốn của MB “quá nóng”?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 28/4, MB tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2011. Về cơ bản, đại hội nhất trí cao các nội dung đưa ra, đặc biệt là về các chỉ tiêu kinh doanh trong năm nay.

KTĐT - Ngày 28/4, MB tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2011. Về cơ bản, đại hội nhất trí cao các nội dung đưa ra, đặc biệt là về các chỉ tiêu kinh doanh trong năm nay.

Mức tăng vốn điều lệ dự kiến 37% của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) được cổ đông cho là “quá nóng”. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo ngân hàng này lại xem là một bước đi hợp lý.

Ngày 28/4, MB tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2011. Về cơ bản, đại hội nhất trí cao các nội dung đưa ra, đặc biệt là về các chỉ tiêu kinh doanh trong năm nay. Tuy nhiên, điểm mà nhiều cổ đông quan tâm là phương án tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, ngân hàng này sẽ tăng vốn điều lệ từ mức 7.300 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng (tăng 37%) qua hai đợt. Đợt 1, chào bán 170 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; đợt 2, chào bán 100 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược, đối tác tiềm năng theo giá thỏa thuận và do Hội đồng Quản trị quyết định.

Về phương án trên, tại đại hội cổ đông, một số ý kiến chất vấn cho rằng bước tăng vốn như vậy là “quá nóng” và đề nghị Hội đồng Quản trị cân nhắc. Lý do là việc tăng vốn một bước mạnh như vậy cần tính toán đến khả năng đáp ứng của các cổ đông. Đề xuất ý kiến trên đưa ra là chỉ nên tăng ở 15%, bằng với mức cổ tức mà MB dự kiến trả bằng tiền mặt; hoặc một ý kiến khác đề nghị xem xét một phương án tăng vốn mà cổ đông không phải nộp thêm tiền trực tiếp.

Thực tế, trao đổi với phóng viên trước thềm đại hội này, lãnh đạo MB cũng đã đề cập đến vấn đề này. “Việc tăng vốn điều lệ trong bối cảnh hiện nay được chúng tôi tính toán thận trọng. Bởi lẽ các cổ đông, đặc biệt các tổ chức, cũng đang có những khó khăn trong kế hoạch tài chính hoặc đang phải đáp ứng yêu cầu tài chính của họ”, đại diện MB cho biết.

Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn nói trên được giải thích là cần thực hiện nhằm đảm bảo năng lực tài chính, mở rộng quy mô trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ngày một lớn. Mức vốn mới cũng là yêu cầu để bổ sung cho hoạt động đầu tư, góp vốn mua cổ phần và cấp bổ sung cho công ty con, đặc biệt là khi các rào cản pháp lý ngày một nâng cao. Và tăng vốn cũng nhằm tăng cường năng lực tài chính để đảm bảo các yêu cầu an toàn trong hoạt động theo các tiêu chuẩn mới; để tăng cường đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới…

Lãnh đạo MB cũng nhận định rằng, mức vốn mới sẽ tạo áp lực trong việc giữ ổn định, thậm chí nâng cao chất lượng các chỉ số tài chính trong hoạt động, cụ thể hơn là khả năng sử dụng vốn hiệu quả và thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận. Theo đó, năm 2011, các chỉ tiêu hoạt động mà ngân hàng này đề ra khá cao.

Năm 2011, MB đặt mục tiêu tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế từ 14% - 37% so với năm 2010. Trong đó, tổng tài sản riêng ngân hàng đạt 147.000 tỷ đồng (tăng 36%), lợi nhuận trước thuế đạt 2.915 tỷ đồng (tăng 24%). Các chỉ số tài chính cơ bản như ROE, ROA tiếp tục ở nhóm dẫn đầu trong hệ thống các ngân hàng.

Bên cạnh mức tăng vốn, tại đại hội trên, vấn đề giá cổ phiếu phát hành cho đối tác chiến lược, đối tác tiềm năng cũng được các cổ đông quan tâm, liên quan đến lợi ích của họ. Thậm chí có đề xuất mức giá phát hành tối thiểu là 15.000 đồng/cổ phiếu.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch thường trực Lê Văn Bé cho biết, năm 2009, MB đã bán cho cổ đông chiến lược giá 12.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá trị trường lúc đó (13.500 đồng); riêng cổ đông chiến luợc Viettel được mua giá 10.000 đồng.

Còn về mức giá dự kiến chào bán cho cổ đông chiến lược sắp tới, ông Trương Quang Khánh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MB, cho biết sẽ được cân nhắc, thực hiện sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn. Từ mức giá giao dịch trên sàn, ban lãnh đạo sẽ cân nhắc tỷ lệ thích hợp chiết khấu để có giá bán cho cổ đông chiến lược, đảm bảo lợi ích của ngân hàng và các cổ đông.

Như vậy có thể xác định, MB sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu (tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM - HSX) trước khi tiến hành chào bán cho cổ đông chiến lược và đối tác tiềm năng trong kế hoạch tăng vốn đợt 2.

Cùng với những nội dung trên, đại hội cổ đông thường niên năm 2011 của MB cũng đã thông qua việc bầu Trung tướng Lê Hữu Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.