Thế nhưng, với V.League, Kiatisak từng là hiện thân của sự thất bại.
Sau khi chia tay HAGL, Kiatisak trở về Thái Lan thi đấu, rồi trở thành HLV và ghi được khá nhiều dấu ấn. Ngay lập tức, bầu Đức triệu hồi người cũ trở về với niềm tin sẽ đưa HAGL trở lại thời kỳ đỉnh cao. Nhưng niềm tin ấy mau chóng vỡ vụn khi Kiatisak sa lầy tại một V.League vốn không vận hành theo nguyên tắc bóng đá chuyên nghiệp... Trở về Thái Lan sau cú sốc tại V.League, Kiatisak không bị bỏ rơi. Người Thái cài cắm danh thủ của mình vào Ban huấn luyện Đội tuyển (ĐT) vốn được dẫn dắt bởi những nhà cầm quân tên tuổi. Và khi có điều kiện, Kiatisak được giao vai trò thuyền trưởng. Nói tóm lại, bóng đá Thái Lan đã vạch ra một lộ trình dài hạn cho Kiatisak. Họ muốn nhà cầm quân trẻ tuổi được học hỏi kinh nghiệm và dần thể hiện bản lĩnh của mình. Và khi điều kiện chín muồi, Kiatisak đã chính thức được giao ấn kiếm. Bóng đá Thái Lan mất 6 năm để đào tạo Kiatisak thành một nhà cầm quân đánh đâu thắng đó. Sự kiên định của những người làm bóng đá nơi đây thật đáng nể, bởi trong những năm đó, ĐT Thái Lan thất bại toàn diện ở đấu trường khu vực. Từ kẻ thất bại ở Việt Nam, Kiatisak thành người hùng của bóng đá Thái Lan. Con đường đến với thành công của nhà cầm quân này, hay nói đúng hơn là định hướng chiến lược của bóng đá Thái Lan khiến chúng ta phải suy nghĩ. ĐT Việt Nam vừa thua một trận thì từ quan chức đến truyền thông và một bộ phận dư luận đã lớn tiếng đòi sa thải HLV. Cay đắng hơn, những người đưa ra yêu cầu đó từng tung hô ông Miura như người hùng vài ngày trước đó sau trận hòa với ĐT Iraq. Và với một nền bóng đá thiếu nhất quán thì đến Mourinho hay Ferguson đến Việt Nam thì cũng bị sa thải như thường.