Dự kiến năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, nhìn vào biểu đồ xuất khẩu những năm gần đây có thể thấy sự đi xuống rõ rệt về tốc độ tăng trưởng. Từ năm 2010 trở lại đây, mặc dù kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống quá nửa. Điều này đòi hỏi sự thay đổi, bứt phá trong việc sản xuất, kinh doanh cũng như tìm thị trường xuất khẩu mới.
Không thiếu khách hàng
Nếu giai đoạn 2000 - 2009, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân mặt hàng TCMN luôn đạt trên 12%/năm, có những năm đạt tới 17 - 18%, thì những năm gần đây, mức bình quân chỉ còn khoảng 6%/năm. Tại nhiều thị trường truyền thống, sản phẩm hàng TCMN Việt Nam đang phải chịu sức ép cạnh tranh ngày một lớn. Trong khi nhiều thị trường mới được khai mở hứa hẹn tiềm năng thì số DN tận dụng được lại không nhiều. Rất nhiều áp lực đang diễn ra, như chi phí đầu vào tăng - không có vốn - khách hàng suy giảm… dẫn đến các DN không có điều kiện đầu tư vào cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Điều này đã dẫn tới nhiều DN, cơ sở sản xuất TCMN thuộc các làng nghề phải tạm đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.
Hai huyện Chương Mỹ và Phú Xuyên (TP Hà Nội), là những đơn vị có nhiều làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu. Nhưng những năm gần đây, do khủng hoảng kinh tế, nhiều DN địa phương đã mất bạn hàng xuất khẩu do đối tác gặp khó khăn về kinh tế, bên cạnh đó sản phẩm phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước như Thái Lan, Trung Quốc. Nhiều DN gặp khó khăn do vốn vay ngân hàng để sản xuất lãi suất cao, nhưng sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được nhiều.
Theo ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành TCMN chắc chắn không phải do thiếu khách hàng, bởi 3 năm trở lại đây, các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, EU sang Việt Nam khá nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do nội tại sản xuất trong nước quá khó khăn, chi phí đầu vào sản xuất ngày một tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Theo ông Lê Bá Ngọc, muốn cạnh tranh được ở các thị trường xuất khẩu thì DN cần tập trung đầu tư vào phát triển sản phẩm mới, sản phẩm có tính sáng tạo. Chẳng hạn, Công ty TNHH Gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh - Hà Nội, trong khi cả làng nghề Bát Tràng còn đang sản xuất dòng gốm rất dày, thì Quang Vinh đã phối hợp với các nhà thiết kế Đan Mạch nghiên cứu, phát triển dòng gốm mỏng, tạo ra thị trường riêng, từ đó mở cánh cửa vào thị trường EU. Nhiều DN khác như Công ty TNHH Sơn mài Nhật Linh - Hà Nội, Công ty TNHH Cửa Đỏ - Hà Nội, Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long - tỉnh Vĩnh Long,…. cũng đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD một năm.
Cơ hội giao thương
Đứng trước bối cảnh khó khăn đó, ngành Công Thương Hà Nội đã tham mưu với UBND TP tổ chức Hội chợ Quà tặng hàng TCMN Hà Nội (HanoiGift show) đạt nhiều kết quả, nhất là việc đưa đến cho các khách hàng nhập khẩu những sản phẩm mới, độc đáo của các làng nghề Việt Nam, đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất trong nước tìm hiểu thị hiếu khách hàng nhập khẩu để sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Năm 2013, là năm thứ 2 Hội chợ được tổ chức, với quy mô trên 550 gian hàng của hơn 230 DN, trong đó khoảng 85% là DN có tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu đến từ Hà Nội và 22 tỉnh, TP khác trên cả nước, với 6 nhóm trưng bày chính: Hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí gia đình, sản phẩm bàn ghế trong nhà và ngoài trời, sản phẩm dệt gia dụng và hàng thuê, hàng quà tặng và sản phẩm dân tộc thiểu số, hàng trang sức và phụ kiện cá nhân…
Ngoài việc tham quan, giao dịch tại hội chợ, các nhà nhập khẩu nước ngoài còn được Ban tổ chức phối hợp với các DN hỗ trợ đến thăm trực tiếp xưởng sản xuất của DN (tổ chức 20 đoàn với gần 300 nhà nhập khẩu), giúp nâng cao uy tín, tạo dựng niềm tin của các nhà nhập khẩu đối với DN cũng như rút ngắn thời gian đàm phán, giao dịch để ký kết hợp đồng xuất khẩu. 100% DN xuất khẩu tham gia hội chợ năm nay trưng bày những sản phẩm có thiết kế mới, đây là một trong những thành công lớn của hội chợ.
Có thể nói, Hội chợ Quà tặng hàng TCMN Hà Nội năm 2013 là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng TCMN Việt Nam gặp gỡ các nhà nhập khẩu trên thế giới nhằm giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm. Theo Ban tổ chức, trong thời gian diễn ra hội chơ, đã có 5.500 khách tham quan hội chợ, trong đó có 510 nhà nhập khẩu đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đến tham quan, giao dịch tại hội chợ. Trong đó, có nhiều nhà nhập khẩu có sức mua lớn (trên 10 triệu USD/năm) như Monogrammed Linen (Anh), Style Setter International (Australia), Sanyodo Trader (Nhật Bản), LTC Trading Corp (Mỹ), Manor Ltd (Thụy Sỹ)… Cũng theo thống kê của Ban tổ chức hội chợ, đã có 1.050 biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các nhà nhập khẩu và DN tham gia, trong đó có 8 hợp đồng ký kết trực tiếp tại hội chợ (gấp đôi năm ngoái), tập trung chủ yếu vào những DN đầu tư thiết kế mẫu mới mang đến trưng bày tại hội chợ (Công ty TNHH Quang Vinh - Bát Tràng, Công ty TNHH Mây tre Huy Hiếu - Hà Nội, DNTN Thanh Tuấn - Hà Nội, Công ty TNHH An Huy - Hà Nội, Công ty TNHH Hasa - TP Hồ Chí Minh, DNTN Mạnh Long - Tỉnh Bình Dương…).
Điều này một lần nữa khẳng định sức hút của những sản phẩm có mẫu mã mới, có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế quốc tế vẫn còn nhiều biến động tiềm ẩn những rủi ro khó lường, tình hình xuất khẩu hàng TCMN của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có sự suy giảm, việc tổ chức Hội chợ quà tặng hàng TCMN Hà Nội 2013 đã thực sự là nguồn động lực mới cho các DN xuất khẩu hàng TCMN của Việt Nam trong việc tham dự các hội chợ quốc tế ở nước ngoài. Và cũng thông qua đây, sẽ là dịp nâng cao nhận thức của các DN, cơ sở sản xuất TCMN về việc tìm tòi, sáng tạo mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu thị trường xuất khẩu.
Khách tham quan gian hàng tại Lễ vinh danh làng nghề truyền thống xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội 2013. Ảnh: Yên Chi
|
Khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tại HanoiGift show. Ảnh: Minh Khôi
|