KTĐT - Thống kê của Cục Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong số hơn 63.000 doanh nghiệp tại 30 tỉnh thành phía Bắc, chỉ có khoảng 10% có website riêng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng viện Tin Học Doanh Nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), tỷ lệ các website được doanh nghiệp “làm mới” để tiếp thị, quảng cáo, phát triển thương mại điện tử là rất thấp.
Có cũng như không
Có doanh nghiệp quảng cáo ở Hà Nội hăng hái đầu tư xây dựng website riêng cho công ty, chi tiền mua tên miền và thuê người về thiết kế xây dựng nội dung cho website, thậm chí giám đốc công ty đó còn cắt cử một bộ phận chuyên trách website. Nhưng chỉ một thời gian sau, khi việc nhiều, công ty thiếu người và bộ phận chuyên trách phải kiêm nhiệm thêm các công việc khác, website không có người “chăm sóc” nên bị “hacker” tấn công lúc nào giám đốc cũng không biết. “Cũng may chưa có thông tin sai trái nào được đăng lên website của công ty, không thì hậu quả thật khó lường” - vị giám đốc công ty được một phen hú vía.
Câu chuyện bi hài trên có lẽ không hiếm gặp ở các doanh nghiệp Việt Nam. Thử lướt qua website của một vài công ty sản xuất kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, hàng xuất khẩu - những mặt hàng luôn cần quảng cáo, tiếp thị, dễ thấy điểm chung các trang web là… đơn điệu và sơ sài! Thông tin về sản phẩm, về dịch vụ đều là tin nguội, tin cũ, thậm chí có sản phẩm được trưng đầy đủ hình ảnh bao bì, kiểu dáng, giá thành trên “cửa hàng ảo” nhưng khi khách hàng gọi điện để tìm hiểu thêm về sản phẩm thì mới hay, bây giờ công ty không còn sản xuất mặt hàng đó nữa!
Rõ ràng vẫn còn nhiều doanh nghiệp xem nhẹ những lợi ích mà thương mại điện tử có thể mang lại. Thực tế là họ vẫn chỉ chú trọng vào các loại hình quảng cáo truyền thống như: Truyền hình, báo giấy mà chưa có một kế hoạch truyền thông chuyên nghiệp. Nếu quan sát và tìm hiểu kỹ hơn, các doanh nghiệp sẽ nhận thấy, không có công cụ quảng cáo và giao dịch nào rẻ và thuận tiện hơn việc sử dụng chính trang web của doanh nghiệp mình để đưa sản phẩm, dịch vụ của mình đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng. Rộng hơn là thương mại điện tử có thể giúp các hoạt động thương mại của doanh nghiệp được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và mở rộng không gian kinh doanh tốt hơn.
Đến lúc phải thay đổi
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), thương mại điện tử không chỉ mang lại nhiều tiện tích cho người dùng mà hơn cả là đóng góp vào việc xây dựng, định vị và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp. Việc đầu tiên khi áp dụng chiến lược internet phục vụ quảng bá thương hiệu là doanh nghiệp phải xây dựng được các trang web riêng và có sự đầu tư thích đáng hơn cho website.
Mỗi trang web cần được định hướng theo hai yếu tố là tên thương hiệu dễ nhớ hay đường dẫn (link) có thể dẫn khách hàng đến trang web dễ dàng. Ngoài ra, yếu tố tên miền cũng đóng vai trò quan trọng không kém, bởi đó cũng là yếu tố xác nhận thương hiệu. Hạn chế lớn nhất hiện nay trên website của doanh nghiệp là thông tin không được cập nhật, cách thể hiện quảng bá sản phẩm không hấp dẫn, đơn lẻ, không đa dạng cách thể hiện; nhiều doanh nghiệp còn đưa “chằng chịt” các tiêu chí sản phẩm rất rối mắt. Các doanh nghiệp cần phải khắc phục hạn chế này để tận dụng những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại.
Nhằm giúp các website thương mại điện tử “cất cánh”, nhiều chuyên gia trên thế giới khuyên các website nên có được chứng nhận do một tổ chức uy tín cung cấp. Các chứng nhận này được thể hiện bằng nhãn tín nhiệm hoặc biểu trưng gắn trên các website. Việc gắn nhãn tín nhiệm không chỉ mang lại sự yên tâm cho người dùng về mức độ uy tín của website được chứng nhận, mà còn đem lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Theo một cuộc khảo sát của tổ chức uy tín hàng đầu Hoa Kỳ về gắn nhãn tín nhiệm cho các website là TRUST (www.trust.org), cứ 15 USD mua sắm, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ thêm 60 cent nếu website đó có gắn nhãn tín nhiệm.
Trao đổi tại một cuộc hội thảo bàn về thương hiệu, ông Quyền cho biết thêm: “Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Các doanh nghiệp cần làm thương hiệu theo cách riêng của mình, phù hợp với nội lực của mình mà vẫn có hiệu quả. Thương mại điện tử có thể xem là chìa khoá giải quyết bài toán thương hiệu cho SMEs”.