KTĐT - Thông tin Chính phủ tiếp tục chính sách kích thích kinh tế và đặc biệt là kéo dài HTLS vay vốn ngắn hạn NH có tác động tích cực đến tâm lý DN và thị trường tài chính.
Ngày 30.10, Chính phủ đã thông báo quyết định tiếp tục gói kích thích kinh tế, trong đó kéo dài hỗ trợ lãi suất đến hết quý I/2010 theo Quyết định 131/QĐ-TTg đối với các khoản vay ngắn hạn và kéo dài hết năm 2010 với việc cho vay theo hai quyết định: 443 và 497/QĐ-TTg.
Trước phiên họp của Chính phủ có nhiều ý kiến khác nhau, về cơ bản dư luận cho rằng Chính phủ sẽ tiếp tục chính sách kích thích kinh tế trên phương diện tài khóa, nhưng sẽ ngừng hỗ trợ lãi suất (HTLS) vay vốn NH đúng thời gian đã định. Tuy nhiên, cơ chế HTLS đã được tiếp tục kéo dài với cường độ giảm dần. Lý do là sau những tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, nền kinh tế còn nhiều khó khăn nên cần được tiếp tục hỗ trợ.
Giúp DN ổn định kế hoạch tài chính
Mặc dù gói HTLS cho cho vay đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn NH để sản xuất kinh doanh chỉ chiếm 1/8 giá trị gói kích cầu do Chính phủ đưa ra từ tháng 12.2008, nhưng tác động và sự lan tỏa của nó đối với doanh nghiệp, nền kinh tế nói chung và các thị trường nói riêng lại có vẻ như mạnh nhất. Vì vậy, dù chưa tính được "đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối" trong tổng gói kích thích kinh tế 8 tỉ USD, nhưng dư luận rất quan tâm đến gói HTLS vay vốn NH, đặc biệt là gói HTLS vay vốn ngắn hạn theo Quyết định 131/QĐ-TTg. Có thể do tính chất ngắn hạn nên tác động nhanh, nhìn thấy ngay, còn các gói khác hiệu quả có độ trễ lâu hơn?
Trước khi Chính phủ quyết định, một số cơ quan chức năng và chuyên gia độc lập đã có những nghiên cứu và dự đoán về các phương án xử lý cho gói HTLS. Trong đó đáng chú ý có hai phương án được đưa ra:
Phương án 1: Kết thúc đúng thời điểm cuối tháng 12.2009 như kế hoạch đã định. Nếu thực hiện như vậy thì sẽ giảm áp lực lên thị trường tài chính trên các khía cạnh: Giảm áp lực tăng lãi suất (LS) tiền gửi, áp lực căng thẳng ngoại tệ, giảm nguy cơ lạm phát do cung tiền qua tín dụng lớn, kiểm soát được rủi ro tín dụng NH và buộc DN tự chủ hơn về tài chính, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh... Tuy nhiên, sử dụng phương án này khó tránh khỏi tình trạng "shock" cho DN và các thị trường. Như một số chuyên gia hay ví von "người bệnh ốm dậy vẫn cần thuốc bồi dưỡng sức, nếu không sẽ ốm lại nặng hơn".
Phương án 2: Tiếp tục HTLS với thời gian ngắn hơn, mức HTLS thấp hơn. Và thực tế thì Chính phủ đã chọn phương án này. Cơ sở của quyết định chọn phương án này là quá trình phục hồi kinh tế thế giới đang diễn ra chậm chạp và còn nhiều bất ổn, có nguy cơ suy thoái kép (tình hình TTCK thế giới trong nửa cuối tháng 10 vừa qua đã phản ánh khá rõ lo ngại này).
Trong nước, tuy một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của năm (GDP, CPI) khá tốt so thế giới, nhưng một số chỉ tiêu trọng yếu (xuất khẩu, chi cân đối NSNN, vốn đầu tư nước ngoài...) còn đáng lo ngại. Thêm nữa, có những dấu hiệu cho thấy mức đầu tư khu vực ngoài nhà nước đang giảm thấp, trong khi hàng tồn kho lại đang có xu hướng tăng khá nhanh. Việc chấm dứt HTLS sẽ ngay lập tức đưa LS doanh nghiệp phải trả từ 5-6,5% hiện nay lên 10,5%/năm (trong trường hợp LSCB giữ nguyên 7%) sẽ khiến doanh nghiệp khó ổn định kế hoạch tài chính cho phù hợp với tiến trình hồi phục của sức mua.
Có hai cơ sở nữa để Chính phủ quyết định tiếp tục kéo dài HTLS, đó là: Chính phủ đã tính toán và khẳng định lạm phát năm 2010 sẽ không quá 2 con số, vì vậy kéo dài HTLS không gây áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, do năm 2009 dự kiến mới giải ngân khoảng 10 nghìn tỉ trong 17 nghìn tỉ dành cho HTLS, nên dù có tiếp tục hỗ trợ cũng chỉ sử dụng số còn lại, không tăng chi ngân sách cho năm 2010.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30.10 vừa qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước mắt, Chính phủ quyết định kéo dài thời gian HTLS ngắn hạn đến hết quý I/2010, sau đó tùy tình hình kinh tế thế giới và trong nước để quyết định. Bây giờ còn quá sớm để dự đoán, nhưng cũng không loại trừ khả năng gói HTLS này sẽ kéo thêm đến hết quý II/2010, nhưng mức HTLS sẽ giảm còn 1% để có một cuộc "hạ cánh mềm" cho chính sách kích thích kinh tế.
Tác động tích cực đến DN và thị trường
Thông tin Chính phủ tiếp tục chính sách kích thích kinh tế và đặc biệt là kéo dài HTLS vay vốn ngắn hạn NH có tác động tích cực đến tâm lý DN và thị trường tài chính. DN không còn quá lo lắng về thời gian đáo hạn vốn vay được HTLS và không bị áp lực vì chi phí vốn tăng đột ngột, các NHTM cũng đỡ lo ngại về vấn đề thanh khoản do thắt chặt tiền tệ, nhất là vào thời điểm cuối năm, NĐT cũng vậy. Đang có dự đoán là VNI tuần này có thể tiếp đà tăng điểm của phiên thứ sáu cuối tuần qua. Còn hai vấn đề nữa có liên quan là tỉ giá và LSCB. Với chính sách tiếp tục HTLS vay vốn thì gần như chắc chắn LSCB sẽ phải giữ nguyên 7% cho đến khi chấm dứt HTLS (vì phải đảm bảo mục tiêu HTLS). Vì vậy, LS huy động và cho vay của các NHTM vẫn phải chịu trần 10,5%/năm.
Về tỉ giá thì do LS vay VND mà doanh nghiệp thực trả trong quý I/2010 tới đây đã phải cao hơn trước 2% (chỉ còn được HTLS 2%) sẽ thu hẹp chênh lệch giữa LS vay ngoại tệ và nội tệ, nhu cầu vay ngoại tệ sẽ tăng lên, giảm căng thẳng ngoại tệ kinh doanh do khách hàng vay VND mua USD như trước đây. Như vậy, sẽ giúp NHNN xử lý vấn đề tỉ giá dễ dàng hơn.