Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết cục đáng buồn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người ta đang tranh luận gay gắt về sự "biến mất" của thần đồng bóng đá Nguyễn Thái Sung. Cầu thủ trẻ duy nhất được học viện bóng đá nổi tiếng Aspire của Qatar tuyển chọn và đào tạo nay trở thành người thừa ở Đà Nẵng.

Người ta tự hỏi, nền bóng đá này có quá nhiều tài năng, hay các tuyển trạch viên nước ngoài không biết nhìn người nên đã đào tạo ra một sản phẩm tồi?

 Khi Thái Sung được học viện bóng đá Aspire đào tạo trong 3 năm, nhiều người đã khấp khởi rằng, tương lai bóng đá Việt Nam sẽ có được một ngôi sao xuất sắc. Và bản thân cầu thủ này cũng nhận được sự biệt đãi từ lò đào tạo trứ danh. Theo một nguồn tin, trong 3 năm ăn học ở Qatar, cầu thủ này đã nhận được khoản tiền học bổng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Thái Sung (giữa) trong một buổi tập tại giải U21 quốc tế báo Thanh Niên 2014.
Thái Sung (giữa) trong một buổi tập tại giải U21 quốc tế báo Thanh Niên 2014.
Nói tóm lại, Thái Sung là diện du học đặc biệt. Thông tin về cầu thủ này liên tục được cập nhật khiến tất cả đều tin, đây chính là nhân tài kiệt xuất của nền bóng đá. Và khi cầu thủ này trở về, anh đương nhiên có suất chính ở đội U19 quốc gia cùng việc được đôn lên chơi ở V - League. Thế nhưng, "tuần trăng mật" của Thái Sung với bóng đá Việt Nam và SHB Đà Nẵng nhanh chóng kết thúc. Người bảo, Thái Sung không có tố chất của một cầu thủ đặc biệt. Ý kiến khác lại khẳng định, cầu thủ này "không biết mình là ai" và cũng chẳng biết cách để hòa nhập với môi trường chung vốn có nhiều điều cắc cớ. Cứ thế, người ta thấy Thái Sung rơi từ đỉnh cao xuống đáy vực, và bây giờ, gần như không có chỗ trong đội hình SHB Đà Nẵng.

Thực ra, bi kịch mà Thái Sung đang phải hứng chịu không phải là chuyện hiếm ở bóng đá Việt Nam. Nhiều cầu thủ có màn ra mắt ấn tượng, nhưng sau đó, không biết tìm họ ở đâu khi CLB tuyên bố xanh rờn là "không đủ khả năng thi đấu đỉnh cao". Thậm chí, nhiều cầu thủ chất lượng, thi đấu thành công ở tuyển quốc gia được chiêu mộ về với số tiền cao ngất nhưng cuối cùng vẫn phải làm bạn với băng ghế dự bị. Lý do thật đơn giản, cầu thủ ấy hoặc không được lòng lãnh đạo, hoặc "không phù hợp" với ý đồ chiến thuật của HLV.

Chẳng nói đâu xa, hiện ở đội bóng Nam Định có đến vài cầu thủ từng ăn cơm dài hạn ở đội U23 quốc gia, nhưng giờ, chẳng ai nhớ họ còn đang chơi bóng. Lý do là Nam Định một thời gian dài ngụp lặn ở hạng Nhì và lãnh đạo thì nhất định không cho những cầu thủ tốt nhất của mình ra đi nếu họ không biết cách. Để tự cứu tương lai của mình, có những cầu thủ đã chấp nhận vi phạm kỷ luật để được bồi thường và đi như trường hợp của Hoàng Danh Ngọc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giới cầu thủ Việt Nam đang bị trói buộc bởi rất nhiều sợi dây từ hữu hình đến vô hình. Nếu không biết sống, một ngày không xa, họ sẽ trở thành vật tế thần, đánh mất con đường trở thành ngôi sao sân cỏ. Thế mới có chuyện, bất cứ cầu thủ nào, dù đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài thì điều đầu tiên họ phải nghĩ khi về nhà là "mua quà tặng thầy". Thậm chí, ở các đội bóng không có chuyện cầu thủ được thưởng riêng dù lập thành tích đặc biệt, bởi như thế mới là biết sống. Ai đi ngược với lối mòn đã ăn sâu vào não bộ những người làm bóng đá năm qua, người đó không có đất sống.

Với một nền bóng đá mà tài năng của một cầu thủ được quyết định bởi sự yêu mến chứ không do tự thân thì mọi bi kịch kiểu như Thái Sung là chuyện... thường ngày ở huyện.