Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết nối thương nhân Việt-Trung xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Ngày 12/11, tại Lạng Sơn, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị kết nối thương nhân xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh Lạng Sơn, Hải Dương của Việt Nam; các tỉnh Quảng Tây, thành phố Sùng Tả, Thị Bằng Tường của Trung Quốc và đông đảo doanh nghiệp hai nước.
Hội nghị nằm trong Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo của Bộ Công Thương.
Hội nghị là dịp để tỉnh Lạng Sơn, các địa phương và doanh nghiệp, thương nhân trong nước gặp gỡ, giới thiệu, kết nối hợp tác kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc, tạo sự gắn kết của doanh nghiệp hai nước trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.
Ký kết hợp tác giữa doanh nhân hai nước Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Doãn Hoàng Nam/TTXVN)

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp hai bên nắm bắt thông tin về cơ chế chính sách xuất nhập khẩu của hai nước, trao đổi, tìm kiếm bạn hàng.
Ngoài ra, hội nghị cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kiến nghị với các cơ quan chức năng hai bên giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của hai nước phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết hiện thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá lớn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, như mủ cao su chiếm tới 70-75% kim ngạch xuất khẩu; hạt điều xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20%; sắn chiếm 100%; thanh long chiếm 67%...
Bên cạnh những thuận lợi, kinh tế mậu biên giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức như cơ chế, chính sách quản lý thương mại khác biệt giữa hai nước; mua bán vẫn theo hình thức đi chợ, không có hợp đồng dẫn tới tình trạng hàng hóa dồn ứ tại các cửa khẩu; xuất tiểu ngạch vẫn phổ biến...
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ tại các địa phương biên giới. Đặc biệt cần có cơ chế đặc thù cho các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương hoàn tất đàm phán để tiến đến sớm ký kết Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc, thay thế Hiệp định đã ký trước đây từ năm 1998, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan chức năng Trung ương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh biên giới trong quản lý, điều hành hoạt động thương mại biên giới. Chính phủ cần có chính sách phù hợp để hạn chế dần xuất khẩu tiểu ngạch và tăng cường xuất chính ngạch.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, 9 tháng năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt gần 2,9 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản đạt hơn 1,1 tỷ USD.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận của doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, tham quan khu trưng bày sản phẩm, trao đổi giữa các thương nhân.
Tại hội nghị, lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác, kết nối thương nhân hai nước cũng diễn ra.